Sau khi giảm điểm mạnh ở phiên sáng 26-4, đến phiên chiều thị trường chứng khoán đã xuất hiện nhịp đảo chiều tăng mạnh. Tuy nhiên rủi ro trong ngắn hạn vẫn tiềm ẩn - Ảnh: BÔNG MAI
Tiếp nối đà giảm của phiên hôm qua, sáng nay thị trường chứng khoán có lúc giảm hơn 50 điểm và tiếp tục dùng dằng trong sắc đỏ.
Tuy nhiên khi bước vào phiên chiều, dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu rớt giá ngày càng quyết liệt hơn, đẩy chỉ số VN-Index đảo chiều hồi phục và tăng mạnh ở những phút gần cuối phiên.
Công lao lớn trong cú lội ngược dòng ngoạn mục này đến từ dòng tiền đổ vào mua nhiều mã chứng khoán trụ cột, sở hữu vốn hóa lớn trên thị trường, điển hình là VPB (VPBank), GAS (PetroVietnam Gas), VHM (Vinhomes), SAB (Sabeco), VIC (Vingroup), BID (BIDV), VNM (Vinamilk), MBB (MBBank), VRE (Vincom Retail), GVR (Công nghệ cao su Việt Nam)...
Dù vậy, đà tăng của thị trường cũng bị ngăn cản bởi áp lực bán diễn ra trên nhiều cổ phiếu khác như VCB (Vietcombank), VJC (Vietjet Air), BHN (Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội), CTR (Công trình Viettel), HDG (Tập đoàn Hà Đô), PGV (Phát Điện 3), MIG (Bảo hiểm Quân đội)...
Nếu như đầu phiên hầu hết chỉ số cổ phiếu của ngành đều bị giảm điểm trong sắc đỏ, thì sang đến cuối phiên tình thế đã đảo ngược với sắc xanh tăng trưởng.
Trong đó, chỉ số của ngành chăm sóc sức khỏe, nguyên vật liệu, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng thiết yếu... tăng tương đối nhẹ.
Chỉ số các ngành còn lại như bất động sản, công nghiệp, dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng, tài chính và năng lượng đều tăng từ 2-4%. Riêng ngành năng lượng có mức tăng cao nhất.
Trải qua phiên giao dịch có nhiều phần gay cấn, chỉ số VN-Index khép lại với việc chính thức tăng 30,34 điểm (+2,32%) vươn lên mốc 1.341,34 điểm. Riêng thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 21.004 tỉ đồng.
Rổ VN30 có mức hồi phục nhiều hơn, khi tăng 30,51 điểm (+2,23%) lên 1.396,90 điểm. Trong rổ này có 27/30 mã tăng giá, riêng mã VRE tăng trần.
Song song đó, cả sàn HNX và sàn UPCoM cũng nhận lực mua khá tốt, tăng lần lượt 7,66 điểm (+2,27%) lên 345,17 điểm và 1,61 điểm (+1,62%) lên 101,15 điểm.
Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 24.320 tỉ đồng, sụt giảm gần 5% so với phiên trước.
Đáng chú ý, chốt phiên hôm nay, riêng nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 1.020 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trở thành phiên thứ sáu mua ròng liên tiếp với tổng giá trị hơn 3.920 tỉ đồng.
Theo nhiều chuyên gia, thị trường vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư ngắn hạn. Do đó nhóm nhà đầu tư này có thể tranh thủ nhịp hồi tăng trở lại để cơ cấu danh mục hoặc hạ tỉ trọng cổ phiếu.
Trong trường hợp VN-Index chinh phục thành công ngưỡng kháng cự 1.400 điểm thì xu hướng tăng ngắn hạn được xác lập, lúc này sẽ có điểm mua an toàn hơn.
VinaCapital: Chứng khoán Việt đang có giá hợp lý cho nhà đầu tư dài hạn
Sau khi thị trường chứng khoán liên tục lao dốc trong thời gian dài, đỉnh điểm là phiên hôm qua giảm tới 68 điểm, chuyên gia của VinaCapital cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn với mức P/E (thị giá trên thu nhập của một cổ phiếu) năm 2022 là 11,5 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần).
Do đó, các chuyên gia bày tỏ tự tin rằng thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022 vì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với GDP được dự báo tăng khoảng 6,5% trong năm nay.
Đặc biệt, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20% trong năm 2022, theo cập nhật mới nhất của Bloomberg.
TTO - Hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK), cũng như mọi hành vi phạm pháp khác, có nhiều mức độ và đòi hỏi các biện pháp chế tài đủ sức răn đe để bảo vệ niềm tin - yếu tố then chốt của thị trường này.