Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá việc triển khai những chủ trương, chính sách liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động, tài nguyên. Tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu do tăng cường vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp. Dù vậy, năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp và chênh lệch với các nước còn tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư công chưa cao và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là vốn ODA. Tiến trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) nhà nước, vốn nhà nước tại DN còn chậm so với kế hoạch đề ra, chủ yếu tập trung vào việc sắp xếp thu gọn số lượng, chất lượng quản trị DN chưa được cải thiện. Hiệu quả sản xuất - kinh doanh của nhiều DN nhà nước còn thấp. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực còn chậm. "Khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa lớn mạnh, chưa đáp ứng được vai trò quan trọng của nền kinh tế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện" - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đề xuất một số định hướng như: vai trò của môi trường vĩ mô phải sẵn sàng cho đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại DN và tổ chức kinh tế cũng như thị trường tài nguyên một cách lành mạnh để bắt kịp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thông qua việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển.
GS-TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng kinh tế số là động lực tăng trưởng mới trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Ông Đạt đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và gợi ý một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số như: Cần có bản chiến lược khung cho việc chuyển đổi số; tạo các điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số.
Để đạt được những mục tiêu này, cần đổi mới hệ thống giáo dục - đào tạo gắn chặt với số hóa; hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất; cải thiện sự sẵn sàng đối với kỷ nguyên công nghệ số; liên kết chặt chẽ với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài; ứng dụng công nghệ số cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản. Cùng với đó là bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế số...
Xem thêm: mth.16293531262402202-os-iod-neyuhc-iov-nag-iahp-gnourt-gnat-hnih-om-iom-iod/et-hnik/nv.moc.dln