Rất đông bạn đọc đến hội sách giảm giá tại phố đi bộ Nguyễn Huệ mới đây - Ảnh: V.Y.
Những năm qua, từ năm 2014, cứ đến tháng 4 ở nhiều nơi trên cả nước, các hoạt động liên quan đến sách diễn ra trước và trong ngày 21-4, Ngày sách Việt Nam. Phố sách Hà Nội tưng bừng những buổi ra mắt sách, đường sách ở TP.HCM cũng thế, một số địa phương khác cũng có những hoạt động tương tự. Năm nay, thêm một dấu mốc nữa, ngày 21-4 vừa qua là Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần đầu tiên.
Sau Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, một người làm sách rất tâm huyết nói với tôi rằng các công ty xuất bản chỉ mong ngày nào cũng là ngày sách chứ không phải chỉ cứ đến tháng 4 là lại làm hội, coi đó như một cú hích để quảng bá những cuốn sách mới mà họ cho là ăn khách vào thời điểm đó cũng như là cơ hội để giảm bớt số sách tồn kho.
Nghe anh nói mà thật ngậm ngùi, bởi đúng là bây giờ sách đã được in nhiều hơn, đẹp hơn, nhiều công ty làm sách hơn, những cuốn sách ăn khách trên thế giới cũng rất nhanh chóng được mua bản quyền và dịch ra ở Việt Nam, nhưng để có một nền văn hóa đọc thực sự thì phải xây dựng được thói quen đọc. Mà thói quen ấy, vốn đã giảm sút từ trước khi có Internet và mạng xã hội cũng như các phương tiện giải trí khác, không dễ tạo dựng lại chỉ bằng cách đợi tháng 4 về.
Thống kê gần nhất vào năm 2019 cho thấy không tính đến sách giáo khoa các học sinh từ vỡ lòng đến đại học, mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc chừng 1,4 cuốn sách mỗi năm. Doanh thu từ bán sách của chúng ta cũng chỉ khoảng 2 USD/người/năm, chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, quốc gia có dân số chỉ bằng nửa Việt Nam. Nếu so sánh với các nước phát triển, vốn cũng có rất nhiều loại hình giải trí khác nhau và số người dùng mạng xã hội không ít, con số của chúng ta còn thấp hơn nhiều.
Những thống kê ấy quả là nhỏ nhoi, và buồn hơn là trong những tháng ngày đại dịch năm 2021, ngành xuất bản bị ảnh hưởng nặng nề khi sách không có chân để đến với độc giả bị giãn cách trong nhà vì không được coi là hàng hóa thiết yếu.
Đương nhiên người ta có thể chỉ ra rằng trong tháp nhu cầu Maslow, sách không có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại về mặt thể chất của mỗi người, không phải là một thứ gì đó mật thiết để thỏa mãn sự no đủ về cơm ăn áo mặc.
Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều nước châu Âu, sách vẫn được bán và vẫn đến tay độc giả trong mùa dịch. Một điều tra ở Anh còn cho thấy trẻ em đọc nhiều sách hơn khi chúng phải ở nhà cùng cha mẹ vì dịch.
Sách trong mùa dịch đơn giản là một ví dụ cho thấy cách chúng ta ứng xử với nó. Việc chờ đợi tháng 4 đến cũng thế. Còn lại là do người làm sách tự bươn chải quanh năm và đưa ra các sáng kiến để tìm mọi cách đưa sách đến độc giả.
Một chính sách mang tính quốc gia về đọc, khuyến đọc, như đã có khuyến học (và rất thành công) là hết sức cần thiết để khơi dậy văn hóa đọc và nâng cao tri thức cho mọi người. Một ủy ban mang tính quốc gia liên quan đến việc phát triển văn hóa đọc, do đó, cũng rất cần thiết.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những cơ quan chuyên trách như thế và rất thành công. Các hiệp hội phát triển văn hóa đọc cũng có ở nhiều nước phát triển, đóng góp to lớn cho văn hóa đọc, khi đưa sách đến các thư viện trường học, thư viện khu dân cư và khuyến khích người dân, nhất là người trẻ đọc.
Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam trên thực tế đã thành công trong việc nêu bật vai trò của sách với độc giả, đã tạo ra thói quen cho người làm sách và người đọc sách, nhưng như thế chưa đủ cho cả hiện tại và tương lai.
TTO - Ngành xuất bản gửi lời tri ân tới bạn đọc trong cả nước đã "luôn dành sự tin tưởng, yêu quý và trân trọng dành cho mỗi cuốn sách"...
Xem thêm: mth.75293957072402202-cod-neyuhk-oc-oig-oab-coh-neyuhk-oc-ad/nv.ertiout