Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: TIẾN LONG
Sáng 27-4, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 13 khai mạc với sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên.
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới tình hình kinh tế, xã hội của địa phương trong 4 tháng đầu năm 2022, đề án tổ chức sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế Đảng trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 và công tác cán bộ.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên điểm lại những thành tích, kết quả về kinh tế, xã hội mà TP.HCM đạt được trong 4 tháng đầu năm 2022, sau một năm 2021 đầy khó khăn vì dịch bệnh. Mặc dù vậy, người đứng đầu Thành ủy nhận định sắp tới TP cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Nên đề nghị các đại biểu thảo luận về những thuận lợi, khó khăn của TP sắp tới. Gợi ý, đóng góp để bổ sung 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm do Ban cán sự Đảng UBND TP trình, đặc biệt các nhiệm vụ lớn nhằm đảm bảo phục hồi nhanh, toàn diện và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra năm 2022 từ 6-6,5%.
Một trong hai nội dung quan trọng mà ông Nên đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận là đề án đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại hoạt động kinh tế Đảng.
Theo ông, thời gian qua hoạt động kinh tế Đảng đã góp phần quan trọng, hỗ trợ TP làm tốt nhiệm vụ chính trị. Dù vậy, hoạt động này cũng bộc lộ những bất cập cần đánh giá lại.
Tôi muốn nói nhiều về lĩnh vực này do chúng ta đã có chặng đường dài, bỏ nhiều công sức để phát huy, đầu tư, kiểm soát. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi vẫn chưa làm tốt, chưa như mong muốn.
BÍ THƯ THÀNH ỦY TP.HCM NGUYỄN VĂN NÊN
Bí thư Thành ủy đặt vấn đề: "Tại sao thành phố đã có cơ chế quản lý năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh hoạt động đầu tư vốn nhưng một số lĩnh vực thuộc kinh tế Đảng biểu hiện đi xuống. Ngoài ra, một số doanh nghiệp hoạt động kinh tế Đảng đã xuất hiện những hạn chế.
Như vậy việc thực hiện quản lý, khai thác và cho thuê đất có mục đích sản xuất, kinh doanh có còn phù hợp với pháp luật mới? Và điều gì đã xảy ra với một số sai phạm đáng tiếc, thậm chí nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế Đảng? Chúng ta cần khắc phục thế nào?".
Bí thư Thành ủy đề nghị hội nghị tập trung cho ý kiến về phương án dự thảo đề án đưa ra. Trong đó có một số định hướng quan trọng như cơ cấu theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tập trung phát triển kinh tế Đảng trong các lĩnh vực tạo nguồn thu ổn định, rủi ro thấp để bảo toàn, phát triển vốn, không đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, trừ hoạt động cho thuê nhà đất…
"Quan điểm này có thể xuất hiện một số điểm không phù hợp với chỉ đạo của nghị quyết 14 trước đó. Cụ thể, nghị quyết 14 (của Ban Chấp hành Đảng bộ TP năm 2018 về tăng cường sự lãnh đạo với hoạt động kinh tế Đảng) có định hướng tiếp tục phát triển các ngành nghề, lĩnh vực có triển vọng phát triển, hiệu quả cao", ông gợi ý.
TTO - TP.HCM đã xoay trục hướng ra sông Sài Gòn, khai thác lợi thế dòng sông để phát triển là tín hiệu đáng mừng. Vậy TP phải khai thác sông như thế nào để tạo nguồn cảm hứng cho người dân cùng tham gia, để "sông đẻ ra tiền"?