Vào những năm 1920, ông trùm công nghiệp Henry Ford muốn thành lập phát triển ngành công nghiệp sản xuất cao su tại Brazil nhằm phục vụ cho ngành sản xuất ô tô . Một thị trấn mang tên Ford được thành lập nhưng không lâu sau đó bỏ hoang trong rừng rậm và trở thành một trong những thất bại lớn nhất của Henry Ford.
Thị trấn Fordlândia được thành lập năm 1928 bởi nhà phát minh Henry Ford tại rừng nhiệt đới Amazon với tư cách là một thị trấn công nghiệp với mục đích là nơi sinh sống của 10.000 người nhằm đảm bảo nguồn cao su trồng trọt cho hoạt động sản xuất ô tô của Ford Motor Company tại Hoa Kỳ. Fordlândia có diện tích 14.268 km vuông nằm tại thành phố Aveiro, thuộc bang Pará của Brazil. Thị trấn này nằm trên bờ đông của sông Tapajós cách thành phố Santarém khoảng 300 km về phía nam.
Vào thời đó, cái tên Ford gắn với những lời hứa hẹn long lanh về cuộc cách mạng khoa học công nghệ như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg ngày nay.
Ford đã đàm phán một thỏa thuận với chính phủ Brazil cấp cho ông một khu vực có diện tích 10.000 km2 dọc theo bờ sông Rio Tapajós gần thành phố Santarém, Brazil. Chính quyền Brazil cũng thỏa thuận miễn thuế cho Ford đối với việc xuất khẩu hàng hóa để đổi lấy 9% lợi nhuận trong đó 7% cho Chính phủ và 2% lợi nhuận cho các thành phố trực thuộc địa phương.
Giai đoạn này Ford Motor Company đang tìm cách loại bỏ sự độc quyền của Anh trong việc cung cấp cao su, chủ yếu được sử dụng để sản xuất lốp xe và các bộ phận xe hơi khác. Henry Ford đã tìm kiếm các giải pháp thay thế và một nơi lâu dài để thiết lập vùng sản xuất cao su. và vùng rừng nhiệt đới Amazon tại Trung Mỹ được ông xem xét tới.
Nguồn: The Guardian.
Vùng đất này nhanh chóng được quy hoạch và phát triển như một cộng đồng dành riêng cho cho các công nhân Brazil và các nhà quản lý người Mỹ. Những ngôi nhà điển hình của Mỹ đã được xây dựng, cũng như bệnh viện, trường học, thư viện và khách sạn. Người dân vùng này gọi đây là Làng Mỹ.
Nhà của một quản lí Fordlandia tại the Vila Americana. Nguồn: The Guardian.
Để thu hút nhân lực đến thị trấn làm việc, Henry Ford còn cho xây hồ bơi, sân vận động, sân golf 18 lỗ. Ngoài ra để tìm công nhân, một số văn phòng đã được mở ở các thành phố Belém và Manaus tại Brazil với lời hứa về mức lương hậu hĩnh để thu hút người dân các vùng lân cận.
Nguồn: The Guardian.
Thế nhưng Henry Ford không tính toán đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên tại vùng đất Amazon này. Vùng đất này có cơ sở hạ tầng vận tải kém khi chỉ có thể tiếp cận được bằng đường sông Tapajós. Ngoài ra những công nhân tại đây thường xuyên phải chống chọi với bệnh sốt vàng da và sốt rét.
Không ai trong số các nhà quản lý của Ford có kiến thức cần thiết về nông nghiệp nhiệt đới. Ở nhiệt độ thấp hơn, mủ tập trung ở những vùng thấp hơn của cây, khi nhiệt độ tăng trong ngày thì mủ lan ra khắp cây, làm cho việc cạo mủ kém hiệu quả. Do đó, các công nhân cạo mủ cao su thường phải bắt đầu từ sáng sớm từ 5 giờ sáng và kết thúc vào buổi trưa. Đồn điền được chia thành các khu vực và mỗi công nhân được phân công đến một khu vực khác nhau để ngăn không cho công nhân cạo liên tiếp các cây giống nhau.
Trong tự nhiên, các cây cao su mọc cách xa nhau như một cơ chế bảo vệ chống lại dịch bệnh và thường mọc gần với các cây lớn hơn của các loài khác để được hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, ở Fordlândia, các cây được trồng gần nhau trong đồn điền, dễ làm mồi cho bệnh cháy lá, kiến sauva, bọ ren, nhện đỏ và sâu bướm.
Thị trấn này còn áp dụng bộ quy tắc quản lý nghiêm ngặt. Rượu, phụ nữ, thuốc lá và thậm chí cả bóng đá đều bị cấm trong thị trấn, kể cả bên trong nhà riêng của công nhân. Để đối phó, các công nhân thường vượt sông bằng cách chèo thuyền ra những tàu buôn neo đậu ngoài khu vực thị trấn và thường giấu hàng lậu về buôn bán.
Không những vậy, các công nhân tại các đồn điền buộc phải ăn những thức ăn của người Mỹ như bánh mì kẹp thịt và thức ăn đóng hộp, phải đeo thẻ khi làm việc.
Vào năm 1930, những người công nhân tại thị trấn đã nổi dậy. Quân nổi dậy tiến hành cắt dây điện tín và đuổi những người quản lý và thậm chí cả người nấu ăn của thị trấn vào rừng trong vài ngày cho đến khi quân đội Brazil đến và cuộc nổi dậy kết thúc.
Chính phủ Brazil nghi ngờ về bất kỳ khoản đầu tư nước ngoài nào, đặc biệt là ở khu vực phía bắc Amazon nên không lâu sau, vô số vấn đề bắt đầu ảnh hưởng đến dự án và quyết định di dời được đưa ra. Fordlândia đã bị Ford Motor Company từ bỏ vào năm 1934, và dự án được chuyển về phía nam, nơi có điều kiện tốt hơn để trồng cao su.
Đến năm 1945, cao su tổng hợp đã được phát triển, làm giảm nhu cầu về cao su thiên nhiên của thế giới. Cơ hội đầu tư của Ford mất trắng chỉ sau một đêm mà không sản xuất được cao su nào cho lốp xe của Ford. Thị trấn mang tên ông cũng bị bỏ hoang. Năm 1945, cháu trai của Henry Ford là Henry Ford II đã bán khu vực bao gồm cả hai thị trấn cho chính phủ Brazil với khoản lỗ hơn 20 triệu USD (tương đương 301 triệu USD vào năm 2021).
Bất chấp khoản đầu tư khổng lồ và vô số lời mời, Henry Ford chưa bao giờ đến thăm một trong hai thị trấn xấu số của mình.
Thị trấn hầu hết đều bị bỏ hoang, chỉ có 90 cư dân vẫn sống trong thành phố cho đến đầu những năm 2000 khi dân số tăng lên, là nhà của khoảng 3.000 người vào năm 2017.
http://tintuc.vdong.vn/04/1328548.htmMộc An
Theo Nhịp Sống Kinh Tế