Khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, nữ điều dưỡng Trúc Đào (nhà ở Củ Chi) phải chuẩn bị đồ ăn đi làm - Ảnh: T.Đ.
"Bình thường vốn áp lực, trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, nhân viên y tế hầu như không còn thời gian cho bản thân và gia đình; một số đơn vị thu nhập có phần giảm sút hoặc tiền lương chậm trễ, chưa kể việc đòi hỏi chuyên môn cao hơn từ phía bệnh viện khiến một số nhân viên không thể đáp ứng kịp" - chị Nhi nói.
Như khi được điều đi chống dịch suốt ba tháng qua, nhiều lúc chị Nhi cũng mệt mỏi nhưng lại tự nhủ "đây là lúc người dân cần mình nhất" nên cố gắng vượt qua.
Ai cũng muốn công việc ổn định, môi trường làm việc được quan tâm, tôn trọng. Lãnh đạo bớt chút thời gian hỏi han động viên và đặc biệt chú ý đến chế độ, dù ít dù nhiều đó cũng là món ăn tinh thần để nhân viên vui vẻ gắn kết với đơn vị, với nghề nghiệp.
Bác sĩ NGUYỄN KHẮC VUI (phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn)
Lương thấp trách nhiệm cao
Với nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Trúc Đào, từ cuối tháng 11-2021 đến nay chị được cơ quan điều phối tham gia hỗ trợ Trạm y tế lưu động ở phường Đa Kao (quận 1, TP.HCM). Khác với công việc chuyên môn ở bệnh viện, khi tham gia trạm y tế lưu động chị phải "chạy tới chạy lui làm đủ thứ việc, đủ mảng". Cũng vì trực chiến liên tục mà từ đó đến nay chị xin ở lại cơ quan để tiện xử lý công việc.
Theo nhẩm tính của chị, hiện lương cơ bản được khoảng 5,5 triệu đồng, cộng thêm các chi phí phụ cấp trực đêm tăng lên khoảng 6 triệu đồng. Với thu nhập này, chị cũng vừa đủ sống chứ không có dư dả gì.
"Nghỉ việc hay không cũng còn tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của từng người. Nếu muốn đi suốt với nghề y, tôi nghĩ đòi hỏi đầu tiên là phải cảm thấy yêu thích nghề mình đang làm" - chị Đào tâm sự.
Vừa tốt nghiệp trung cấp y, Nhật Quang (quê Tiền Giang) về "đầu quân" tại Trạm y tế phường Tân Định (quận 1, TP.HCM). Gần bốn năm gắn bó với trạm, có hơn hai năm anh tham gia công tác chống dịch COVID-19. Với đồng lương ít ỏi, Quang kể rằng để trang trải cuộc sống, sau giờ làm anh còn có nghề "tay trái" là buôn bán hàng online.
Quang nói: "Đôi lúc có nhiều áp lực, tôi có nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Nhưng khi dịch bệnh ập đến thấy công việc rất nhiều, nếu mình nghỉ, trạm sẽ không thể đủ người chống dịch. Kinh doanh sau giờ làm cũng là cách để tôi ổn định cuộc sống và là điều kiện để nuôi nghề".
Đi làm từ mờ sáng
Tờ mờ sáng, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ, nữ điều dưỡng Trần Thị Trúc Đào tỉnh giấc lọ mọ dắt xe ra sân, vào bếp hâm nóng lại cơm và đồ ăn cho vào hộp rồi rời nhà, bắt đầu ngày làm việc mới. Đều đặn mỗi ngày suốt 10 năm qua, nữ điều dưỡng này vẫn kiên trì chạy xe gắn máy từ xã Trung Lập Hạ (Củ Chi, TP.HCM) lên Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1).
Để đặt chân đến bệnh viện đúng 7h, đòi hỏi người phụ nữ 34 tuổi này phải vượt qua "chướng ngại vật" phía trước là quãng đường gần 50km. Với khoảng 1 giờ 45 phút di chuyển mệt rã rời nhưng khi khoác lên mình màu áo blouse trắng, chị không được phép cau có, khó chịu với người bệnh.
10 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, có hai năm đầu chị Đào đi làm bằng xe buýt, còn lại đều đặn đi xe gắn máy. Ngày ấy, từ Trung Lập Hạ lên trung tâm thành phố, chị thường phải đón hai chặng xe buýt, chưa kể xe buýt thường phải dừng đưa đón khách, vì thế cũng tốn khá nhiều thời gian.
"Nếu đi xe buýt tôi phải thức dậy sớm hơn nữa để chuẩn bị cơm nước, sau đó chạy xe máy ra bến xe Củ Chi cách nhà khoảng 10km gửi xe. Nhiều hôm trục trặc phải chuyển qua nhiều chặng lên đến bệnh viện mất khoảng hai tiếng đồng hồ" - chị Đào kể.
Rồi khi chuyển qua đi làm bằng xe gắn máy tuy linh động nhưng cũng không tránh khỏi rủi ro. Nhiều hôm mưa gió người ướt sũng, dọc đường xe lủng săm, chết máy cũng khiến chị muộn giờ làm. Cũng vì xa nhà, chị chứng kiến nhiều đồng nghiệp xin nghỉ việc để xin về công tác gần hơn. Ngay cả gia đình khi thấy chị đi làm xa vất vả cũng khuyên "suy nghĩ lại" nhưng chị chỉ cười.
Điều gì khiến một cô gái trẻ mỗi ngày chạy gần 50km gắn bó với bệnh viện suốt 10 năm? Điều dưỡng Đào thú nhận ban đầu không phải là người "ưa thích công việc đang làm", thậm chí có lúc muốn nghỉ việc.
"Nhưng rồi làm một thời gian, được tiếp xúc nhiều hoàn cảnh người bệnh không có người chăm nom, cuộc sống còn khổ sở hơn mình, tôi cảm thấy thương. Với lại gia đình tôi cũng có người ốm đau, tôi đặt mình trong vai người thăm nuôi lại càng đồng cảm, tự cảm thấy cần phải tiếp tục gắn bó với nghề" - chị Đào tâm sự.
Chung cảnh đi làm xa, nữ điều dưỡng Nguyễn Trần Yến Nhi (quê Long An) năm nay 32 tuổi nhưng có thâm niên tám năm gắn bó với khoa chấn thương sọ não của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Quê ở tận Bến Lức ( Long An), ngày nào chị cũng phải thức dậy từ rất sớm sửa soạn tư trang rồi chạy xe gắn máy khoảng một tiếng đồng hồ để đến bệnh viện. Chị nói cũng có nhiều người khuyên sao không xin việc ở Long An làm cho gần nhưng chị một mực "thích không khí làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy". "Trước đây tôi từng có thời gian làm việc tại trạm y tế tỉnh nhưng không hợp, sau đó nghỉ rồi mới xin vào làm tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thật sự nhìn lại, tôi không nghĩ mình đã gắn bó với bệnh viện lâu đến thế" - chị Nhi nói.
Thời gian đầu mới vào nghề, chị cũng thường bị bệnh nhân chửi hoặc người nhà nói nặng nói nhẹ. Lúc ấy cũng cảm thấy tủi thân, chạnh lòng vô cùng. Nhưng làm riết rồi quen, hiểu được hoàn cảnh người bệnh lúc đau ốm, chị cũng dễ dàng thông cảm.
"Quen với chuyện này rồi, rơi vào hoàn cảnh bệnh tật như vậy ai cũng dễ dàng bộc lộ sự bức xúc, nóng nảy thôi. Không trách móc để bụng, nhiều lúc tôi cảm thấy tội nghiệp cho bệnh nhân nhiều hơn".
Trong bối cảnh nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, cộng thêm áp lực công việc tại khoa "đầu sóng ngọn gió" (tên gọi khoa chấn thương sọ não) nhưng chị nói chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Chị cười quả quyết: "Tôi sẽ làm đến khi nào bệnh viện cho nghỉ thì nghỉ, làm hết nổi thì thôi".
Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: "Theo thống kê có khoảng 273/4.190 nhân viên y tế của đơn vị đi về trong ngày hiện đang sinh sống ngoài TP.HCM".
Nhiều chính sách "giữ chân" nhân viên y tế
Theo Sở Y tế TP.HCM, số liệu thống kê năm 2021 có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc. Đặc biệt chỉ trong quý 1-2022 đã có gần 400 người nghỉ việc.
Ở góc độ nào đó, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - thừa nhận chính sách vẫn chưa tương xứng với nhân viên y tế. Ngoài lương bổng, các lãnh đạo bệnh viện cần phải suy nghĩ tạo ra môi trường làm việc tốt, có điều kiện học tập nâng cao, giảng dạy và nghiên cứu cho họ.
Chính sách điển hình vừa qua nghị quyết về các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn vừa được HĐND TP.HCM thông qua. Ngoài ra ngành y tế TP.HCM đang thử nghiệm chương trình lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế hằng tuần để tháo gỡ các vướng mắc, tâm tư tình cảm trong quá trình công tác.
TTO - Trong cuộc họp báo ngày 29-11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cung cấp thông tin gây chú ý: năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và chỉ 10 tháng đầu năm 2021 đã có thêm 968 trường hợp.
Xem thêm: mth.8851610172402202-ehgn-ioun-ed-ehgn-ud-mal-et-y-neiv-nahn/nv.ertiout