vĐồng tin tức tài chính 365

Kế hoạch 'săn mồi' của nhóm lừa báo trúng thưởng

2022-04-27 19:08

Hiếu, 39 tuổi, trú TP HCM từng là nhân viên của một tổ chức lừa đảo bán hàng trên mạng. Sau khi học được mánh khóe, năm 2020, Hiếu nghỉ việc ra thuê căn nhà ba tầng ở quận 7 làm trụ sở, lập đường dây lừa đảo bằng chiêu gọi điện báo tin lừa trúng thưởng, dùng chiêu trò dụ dỗ nhiều người mua đồ gia dụng dỏm với giá cao.

Hiếu đặt mua nồi cơm điện, máy sấy tóc, quạt điện... với giá 100.000-200.000 đồng, đây là những loại hàng trôi nổi, kém chất lượng, đưa về gắn mác "hàng cao cấp" do công ty sản xuất, để bán 5-10 triệu đồng một sản phẩm. Tiếp đó, anh ta mua bán dữ liệu, mua thông tin cá nhân của nhiều người với giá 2.000 đồng một khách.

Nguyễn Văn Hiếu, nghi can cầm đầu đường dây. Ảnh: Công an cung cấp

Nguyễn Văn Hiếu, nghi can cầm đầu đường dây. Ảnh: Công an cung cấp

Khi có hàng hóa và dữ liệu của khách hàng, dưới vỏ bọc của một giám đốc công ty đa ngành, Hiếu tuyển 16 nam nữ nhân viên thuộc nhiều lứa tuổi, trả lương mỗi tháng 4-5 triệu đồng, chia 1-2% tiền "hoa hồng" theo đơn hàng bán ra.

Các thành viên làm việc, sinh hoạt tập trung trong căn nhà ba tầng ở quận 7. Hàng ngày, Hiếu "nghiên cứu" dữ liệu cá nhân của 15-20 người, sau đó chuyển số điện thoại của "con mồi" cho các nhân viên, gọi điện thông báo trúng thưởng. Tại các phòng làm việc, một kịch bản lừa đảo được Hiếu soạn sẵn rồi in ra dán trên tường để mọi người cùng đọc theo.

Khi gọi điện, thành viên của Hiếu xưng là nhân viên công ty điện máy, chúc mừng chủ nhân đã may mắn trúng thưởng xe máy, tivi, tủ lạnh, máy giặt... Chúng sau đó lấy lý do là khách hàng mới có điểm số tích lũy là 4.500, còn thiếu 500 điểm nữa mới đủ tiêu chuẩn lĩnh thưởng. Để đạt yêu cầu, cần phải mua thêm các sản phẩm đồ gia dụng do công ty sản xuất như như máy sấy tóc, quạt điện, giá mỗi sản phẩm 5-10 triệu đồng tùy loại, tương ứng với 100-200 điểm. Mua càng nhiều hàng thì càng sớm tích lũy đủ điểm, hoàn tất các thủ tục giải thưởng sẽ gửi về nhà.

Một ngày, Hiếu yêu cầu nhân viên gọi điện cho khoảng 4-5 số điện thoại, nếu cảm thấy "con mồi" đã "cắn câu", chúng liên tục liên lạc giục mua hàng, cảm thấy không thể lừa thì lập tức chuyển hướng. Trên bản danh sách dữ liệu cá nhân, nếu nạn nhân "mắc bẫy" rồi thì sẽ được đánh dấu tích đỏ để tránh bị trùng.

Nhân viên của đường dây phân ra nhiều vai, khách hàng nào do dự thì vài phút sau, một người khác sẽ đóng giả là "cố vấn" hoặc "trợ lý pháp luật", gọi điện thuyết phục trong hàng chục phút, khuyên nên mua hàng tích điểm. Lừa xong một người, cả nhóm sẽ ghi vào sổ để cuối tháng Hiếu chấm công.

Với dữ liệu cá nhân có được, nhóm này biết rõ "con mồi" cư trú ở đâu, do vậy khi tiếp cận luôn lên sẵn nhiều kịch bản để lấy lòng. Chẳng hạn, với một người lớn tuổi, nhân viên xưng là con, luôn dạ vâng, sau vài phút trò chuyện còn "xin nhận con nuôi", nói "sắp tới công ty sẽ mở cửa hàng ở khu vực đó, sẽ tạo điều kiện để nhận người nhà của cô chú, bác... vào làm việc nếu có nhu cầu". Trường hợp đầu dây bên kia là một nam thanh niên, người giả danh sẽ là nữ, nói chuyện "đong đưa", hẹn "vài hôm nữa công ty về khai trương văn phòng trên địa bàn sẽ hẹn gặp cà phê, trò chuyện để hiểu rõ hơn về nhau".

Theo nhà chức trách, hàng nghìn người trên cả nước đã tin lời, đặt mua đồ gia dụng kém chất lượng với giá cao gấp hàng chục lần. Đa phần chỉ sau một cuộc điện thoại, nhiều người bị "mắc bẫy", số khác sau 4-5 cuộc mới nhận lời.

Hiếu đăng ký tài khoản ngân hàng với một công ty chuyển phát nhanh, khi giao dịch đến khách hàng thành công và nhận tiền thanh toán từ đối tác, chúng lập tức cắt đứt liên lạc, chặn số điện thoại. Nạn nhân không thể trả lại đồ gia dụng vừa nhận về, vì địa chỉ ghi trên bao bì đều là giả. Ngoài ra, hàng cũng chẳng thể sử dụng vì toàn là đồ trôi nổi, bị hỏng.

Bên trong một phòng làm việc tại công ty của Hiếu. Ảnh: Công an cung cấp

Bên trong một phòng làm việc tại công ty của Hiếu. Ảnh: Công an cung cấp

Manh mối về đường dây được hé lộ vào cuối tháng 3 khi Công an TP Hà Tĩnh tiếp nhận đơn của một phụ nữ ở phường Đại Nài, trình báo bị lừa gần 900 triệu đồng bằng chiêu trò mua hàng hóa gia dụng để tích lũy điểm nhận thưởng, do một công ty điện máy ở TP HCM kết nối. Theo cảnh sát, người này bị lừa lần đầu từ tháng 3/2021, vài tháng sau bị lừa lần hai.

Qua rà soát, Đội cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Tĩnh xác định người phụ nữ dính vào một đường dây lừa đảo qua điện thoại với quy mô lớn của Hiếu, nên cử hai tổ công tác vào đây hóa trang thành những tài xế Grab nhân viên giao hàng để thu thập manh mối.

Đến căn ba tầng ở quận 7 nơi Hiếu thuê làm trụ sở hoạt động, trinh sát nhận thấy nhóm này chủ yếu hoạt động ở tầng hai và ba, tầng một để không. Ngoài ra người trong nhóm rất ít ra ngoài, đồ ăn, thức uống đều được shipper chuyển đến.

"Đường dây hoạt động rất kín kẽ, chúng tôi phải đóng nhiều vai khác nhau để nắm quy luật hoạt động của chúng", một trinh sát nói. Theo cán bộ điều tra, trên không gian mạng, manh mối ban đầu gần như là con số không, ban chuyên án phải dò tìm từ những chi tiết nhỏ nhất và tưởng như không liên quan để cho ra manh mối với xác suất tương đối. Ngoài ra, một số nạn nhân vì tâm lý xấu hổ, không hợp tác cũng khiến việc phá án gặp nhiều trở ngại.

Kế hoạch 'săn mồi' của nhóm lừa trúng thưởng
 
 

Triệt phá đường dây lừa trúng thưởng. Video: Đức Hùng

Ngày 19/4, Công an Hà Tĩnh phối hợp với Công an TP HCM huy động hàng chục người đột kích trụ sở công ty của Hiếu. Khi trinh sát ập vào các phòng, nhiều nhân viên trong đường dây còn đang chăm chú gọi điện thoại lừa đảo, không hay biết. Tất cả sau đó hốt hoảng định bỏ chạy nhưng đã bị siết vòng vây.

Cơ quan điều tra xác định, từ khi hoạt động vào năm 2020 đến thời điểm bị xóa sổ, Hiếu cùng đồng phạm đã lừa hàng nghìn người trên cả nước, trong đó tại Hà Tĩnh có 63 nạn nhân. Tính riêng 6 tháng gần nhất, tiền chiếm đoạt bất chính hơn 30 tỷ đồng. Thủ đoạn này có liên quan mua bán dữ liệu cá nhân, nhiều kẻ gian đã áp dụng để thực hiện các mánh lừa đảo trúng thưởng tương tự.

Việc lộ dữ liệu do người dân trong quá trình mua trả góp đồ điện tử tại một số cửa hàng điện máy đã vô tình cung cấp, khía cạnh trên sẽ tách riêng để điều tra sau.

Lãnh đạo Công an Hà Tĩnh chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu do nhiều người dân hám lợi, cả tin vào lời dụ dỗ "là khách hàng may mắn" của nhóm lừa đảo, nhưng không ngờ đó chỉ là "miếng pho mát trong bẫy chuột". Trung bình một nạn nhân bị lừa 10-15 triệu đồng, có người càng muốn "gỡ gạc" càng bị lún sâu, mất hàng trăm triệu đồng như người phụ nữ ở phường Đại Nài nói trên.

Hiếu cùng 10 đồng phạm quê TP HCM, Vĩnh Long, An Giang, Cà Mau đang bị tạm giữ hình sự, lấy lời khai để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự.

Hiếu được xác định là người cầm đầu, hưởng lợi nhiều nhất. Do số lượng tiền chiếm đoạt lớn và bị hại nhiều, Công an TP Hà Tĩnh đã chuyển vụ án cho Công an Hà Tĩnh thụ lý.

Đức Hùng

Xem thêm: lmth.3046544-gnouht-gnurt-oab-aul-mohn-auc-iom-nas-hcaoh-ek/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kế hoạch 'săn mồi' của nhóm lừa báo trúng thưởng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools