Niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam
Theo điều tra doanh nghiệp FDI (PCI-FDI) được đề cập trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021) mới được công bố, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam năm 2021 có sự suy giảm so với năm trước đó.
Cụ thể, tỉ lệ doanh nghiệp báo lãi năm 2021 là 38,72%, thấp nhất trong 10 năm qua. 47,9% doanh nghiệp báo lỗ, nhích nhẹ từ con số 47,1% của năm 2020, là mức cao nhất kể từ năm 2012.
Chỉ 7,8% doanh nghiệp tăng vốn đầu tư trong năm 2021, là năm thứ hai liên tiếp dừng ở mức độ tăng 1 con số. Dù vậy, vẫn có 50,6% doanh nghiệp tăng quy mô lao động trong năm 2021. Những con số này phần nào cho thấy dịch Covid-19 đã có tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Báo cáo cho thấy, dù chịu những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn có niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam.
Sau sự sụt giảm đáng kể vào năm 2020, khi chỉ có 40,8% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tiếp theo, điều tra PCI-FDI 2021 ghi nhận tỉ lệ doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam là 47,7%.
Sự lạc quan trở lại của các doanh nghiệp FDI được quan sát thấy ở hầu hết các ngành nghề, dù là doanh nghiệp định hướng thị trường xuất khẩu hay thị trường nội địa.
Nhìn về tổng thể, mặc dù chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2021.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới là 15,25 tỷ USD (tăng 4,1% so với năm trước đó) với 1.738 dự án được cấp phép, trong số này có một số dự án lớn như Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Long An I và II của nhà đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Long An (3,1 tỷ USD), Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II của nhà đầu tư Nhật Bản tại Tp.Cần Thơ (1,31 tỷ USD) và Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina của nhà đầu tư Nhật Bản tại Vĩnh Phúc (611,4 triệu USD).
Có 985 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 9,01 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm 2020,34 vượt xa mức 5,8 tỷ USD của năm 2019.35
Một số dự án có số vốn điều chỉnh tăng đáng chú ý như Dự án LG Display Hải Phòng của nhà đầu tư Hàn Quốc (2,15 tỷ USD) và Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam của nhà đầu tư Đài Loan (610 triệu USD) tại Bình Dương.
Năm 2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 19,74 tỷ USD, vẫn duy trì tương đương con số của năm trước.36 Lũy kế đến cuối năm 2021, Việt Nam có 34.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 408,1 tỷ USD và số vốn thực hiện là 251,6 tỷ USD, bằng 61,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
3 địa phương có tỉ lệ DN FDI mở rộng quy mô cao nhất
Cũng theo khảo sát, trong số 22 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp FDI tham gia Điều tra PCI-FDI 2021, ba tỉnh, thành phố tại vùng Đồng bằng Sông Hồng có tỉ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô cao nhất là Hà Nam (65,4%), Quảng Ninh (65%) và Hải Phòng (60%).
Vùng miền núi phía Bắc có hai đại diện trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tỉ lệ doanh nghiệp FDI dự định mở rộng quy mô cao nhất, bao gồm Thái Nguyên (59,3%) và Bắc Giang (58,1%).
Đáng lưu ý, một số địa phương tập trung số lượng lớn doanh nghiệp FDI có tỉ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh thấp hơn mức trung bình cả nước, như Hà Nội (46,1%), Bình Dương (45,9%), TP HCM (44,6%) và Bắc Ninh (44,1%).
Một số địa phương có tỉ lệ doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng quy mô thấp hơn đáng kể so với mức chung cả nước bao gồm Bình Phước (21,4%) và Đà Nẵng (34,4%).
Với PCI 2021 đã có 1.185 doanh nghiệp FDI tới từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều tra PCI-FDI 2021, với tỉ lệ phản hồi đạt 28,2%. Trong cả giai đoạn 2010-2021, đã có 18.172 doanh nghiệp FDI trả lời điều tra PCI-FDI.
Điều tra PCI - FDI đến nay tiếp tục là một trong những điều tra doanh nghiệp FDI thường niên có quy mô lớn nhất và toàn diện nhất tại Việt Nam.
Xem thêm: