Thông tin này nhanh chóng được bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên hồ hởi tiếp nhận.
Khách nhập cảnh tại TP.HCM không còn phải xếp hàng chờ đến lượt để được nhân viên kiểm dịch y tế, kiểm tra khai báo y tế Sở Y tế TP.HCM |
Cuộc sống đã thích ứng an toàn
Như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh đề nghị tạm dừng khai báo y tế tại cửa khẩu từ 0 giờ ngày 27.4.
Theo văn bản, dịch Covid-19 đã ghi nhận tại hầu hết các nước trên thế giới, bệnh đã có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu và có hiệu quả với các chủng SARS-CoV-2 đang lưu hành. Thời gian gần đây, dịch có xu hướng giảm cả số mắc và tử vong trên phạm vi toàn cầu. Tại VN, dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế phòng dịch Covid-19 tại tất cả cửa khẩu của VN đối với người nhập cảnh kể từ 0 giờ ngày 27.4.
Chỉ cần người nhập cảnh đã tiêm 2 mũi vắc xin là đủ, việc khai báo y tế giờ là thừa, không cần thiết. Dừng việc khai báo y tế đối với người nhập cảnh là góp phần phục hồi kinh tế, phát triển du lịch.
Phương Phạm
Tôi hoàn toàn đồng ý việc ngưng khai báo y tế với người nhập cảnh. Việc này là không cần thiết nữa, nhất là trong tình hình điều kiện mới chúng ta không còn truy vết, đi lại thoải mái trong nước, chưa kể trước khi lên máy bay họ đã xét nghiệm rồi.
Nguyễn Quỳnh
Thật lòng mong chờ đến ngày chúng ta có thể coi Covid-19 chỉ là một căn bệnh hắt hơi sổ mũi thông thường.
Tuấn An
Trước đó, trong hội nghị trực tuyến đề cập các biện pháp “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 tổ chức tại Hà Nội ngày 26.4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề cập đến kế hoạch bỏ khai báo y tế trong nước, truy vết nội địa; từng bước thực hiện bình thường hóa.
Hồ hởi tiếp nhận những thông tin tích cực nêu trên sau thời gian dài thích ứng an toàn với dịch Covid-19, nhiều BĐ nhanh chóng gọi đó là “những bước đi về phía bình thường”. BĐ Hải Yến nêu: “Cuộc sống đã thích ứng an toàn trong điều kiện mới, vì vậy một số yêu cầu về y tế liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đã không còn phù hợp ở giai đoạn hiện nay, chúng ta cần sớm bãi bỏ, trong đó có việc khai báo y tế người nhập cảnh. Chúng ta không còn truy vết, không cách ly tập trung... thì khai báo y tế là hình thức rườm rà mất thời gian”. Trong xu hướng phục hồi kinh tế, đặc biệt là phục hồi du lịch sau đại dịch, BĐ Phương Đỗ lưu ý: “Khai báo y tế giờ đây không còn quá cần thiết mà đôi khi lại gây thêm phiền phức. Chúng ta mở cửa, huy động nhiều nguồn lực trong nỗ lực phục hồi kinh tế mà vẫn còn duy trì nhiều thủ tục rườm rà lại dễ khiến khách quốc tế nản lòng. Thế thì khác nào tự trói tay chân mình”.
Tán thành với những ý kiến nêu trên, BĐ Thu Hương đề nghị: “Việc này cần thông qua và áp dụng ngay. VN đang muốn đẩy mạnh ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển trở lại sau thời gian dài “ngủ đông” do dịch bệnh, vì vậy không có lý gì phải duy trì những rào cản dễ làm nản lòng du khách”.
|
Tạm dừng khai báo y tế Covid-19 với người nhập cảnh từ 0 giờ ngày 27.4 |
Tích lũy năng lực xử lý dịch
Nhận xét về những bước đi kiểm soát dịch Covid-19 của ngành y tế thời gian qua, BĐ Minh Nghĩa cho rằng “cập nhật tình hình chung của thế giới, của các nước trong khu vực sau đó từng bước bình thường hóa cuộc sống như trước khi xảy ra dịch Covid-19 là cần thiết. Hoan nghênh Bộ Y tế”. BĐ nghiadinhlpg@gmail.com cũng bày tỏ những cảm xúc phấn khởi: “Tin tưởng rồi đây đất nước mình sẽ hồi phục thần kỳ sau đại dịch khủng khiếp vừa qua, khi mà lãnh đạo các bộ ngành đã lắng nghe, nghiên cứu và đưa ra quyết sách kịp thời từ những góp ý chân thành của người dân, cảm ơn rất nhiều”.
Cũng có ý kiến BĐ cho rằng lẽ ra việc bỏ khai báo y tế đối với khách nhập cảnh phải được triển khai sớm hơn, đồng bộ hơn, cùng thời điểm ra đời của hộ chiếu vắc xin. Có như vậy, cơ hội để nền kinh tế nội địa bắt kịp nhịp tái tăng trưởng của kinh tế thế giới sau đại dịch mới không bị trễ nhịp. BĐ Nguyễn Hưng nêu: “Bây giờ mới bỏ, đã là chậm”. Tuy nhiên, BĐ Trường Lưu cho rằng đặt vấn đề “bỏ khai báo y tế là nhanh hay chậm” ở thời điểm này không phải là điểm mấu chốt, mà “vừa nới lỏng vừa thận trọng tích lũy năng lực xử lý nguy cơ dịch tái bùng phát theo tôi mới là bước đi đúng đắn trong thời điểm hiện tại”.