Nhiều cơ sở dữ liệu quan trọng đã thành hình
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành cho hay nhiều cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành đã có bước tiến dài. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ Công an hoàn thành bước đầu về kết nối hệ thống CSDL ngành giáo dục với CSDL quốc gia về dân cư.
Trong đó, đã kết nối, đồng bộ dữ liệu về đội ngũ giáo viên với 1,3/1,4 triệu hồ sơ; khoảng 24 triệu học sinh, trong đó gần 1 triệu hồ sơ học sinh đang học lớp 12, sẽ kịp đồng bộ trước ngày 29.4, để đưa vào sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2022. Bộ GD-ĐT cũng đang triển khai dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng và áp dụng bắt đầu từ ngày 9.5.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp Nhật Bắc |
Trong khi đó, nhiều CSDL tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai như CSDL quốc gia về dân cư được tích hợp, kết nối và mở rộng, làm giàu dữ liệu bao gồm: gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19 được tiêm chủng; triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân (CCCD); cấp trên 7 triệu mã số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh; thí điểm sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh…
Các CSDL quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Còn theo Bộ TT-TT, đóng góp của kinh tế số trong quý 1/2022 ước đạt khoảng 53 tỉ USD. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tăng 500 doanh nghiệp so với năm 2021.
Khẩn trương hoàn thiện quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong chuyển đổi số, CSDL là rất quan trọng nhưng nhiều năm qua các bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức đến việc tích lũy CSDL, làm cơ sở hình thành CSDL lớn, trí tuệ nhân tạo. Các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng được tiến độ. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả còn hạn chế. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới gần 54% và hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp, chỉ khoảng 9,4%. Việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, an toàn, an ninh mạng còn sơ hở.
Theo Thủ tướng, nhận thức về chuyển đổi số chưa toàn diện, đồng đều ở các địa phương, đơn vị, nhiều khi còn hình thức. Nhấn mạnh tinh thần cần hiệu quả, sản phẩm thật để doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi, chứ không làm theo kiểu “đánh trống ghi tên”, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5 tới.
Cùng với đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin công dân. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động VNEID, nhằm định hình hệ sinh thái công dân số.
Bộ TT-TT được Thủ tướng giao nhiệm vụ hoàn thành đánh giá, công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Bộ này cũng được yêu cầu đề xuất thành lập bộ phận giúp việc của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia một cách có hiệu quả, nhưng không làm tăng thêm đầu mối về tổ chức, bộ máy, biên chế, từ đó hình thành tổ giúp việc ban chỉ đạo các cấp.