Hiện tượng sao Kim và sao Mộc gần nhau có thể ngắm vào bình minh - Ảnh: SCIENCE
Ngày 30-4, hai ngôi sao Kim và Mộc, những hành tinh sáng trong Hệ Mặt trời, sẽ gặp nhau, tạo nên những góc nhìn đẹp khi quan sát từ Trái đất.
Mỗi năm, hai hành tinh sẽ có một lần sát nhau nhất. Năm nay, khoảng cách gần nhất giữa 2 hành tinh chỉ khoảng 0,2 độ, nhỏ hơn một nửa chiều rộng của Mặt trăng khi nhìn từ mặt đất.
Hiện tượng có thể quan sát bằng mắt thường trước bình minh. Ở các thành phố lớn cũng như các vùng xa xôi đều có thể quan sát cảnh tượng này.
Khi ngắm nhìn, hãy để ý ở đường chân trời phía đông nam, sẽ thấy sao Kim và sao Mộc như sắp chạm vào nhau, cùng phát sáng trên bầu trời.
Đến ngày 1-5, sao Kim và sao Mộc bắt đầu di chuyển ra xa, đi "con đường riêng" của mình.
Sao Mộc là hành tinh khổng lồ, phát sáng trên bầu trời và có thể nhìn rõ nhất vào mùa xuân.
Sao Kim có kích thước gần tương đương Trái đất, bề ngoài được phủ một bầu khí CO2 dày đặc, phản xạ mạnh ánh sáng Mặt trời.
Từ Trái đất, sao Kim có thể dễ nhìn thấy hơn vì độ sáng lớn hơn khoảng 12 lần so với sao Mộc.
Giáo sư vật lý và thiên văn học Patrick Hartigan tại Đại học Rice (Mỹ) cho biết hiện tượng gặp nhau giữa sao Kim và sao Mộc xảy ra mỗi năm một lần.
Năm nay, hai hành tinh sẽ xuất hiện gần hơn đáng kể so với bình thường. Lần cuối cùng hai hành tinh ở gần nhau hơn năm nay (khoảng 0,2 độ) là khi gặp nhau vào tháng 8-2016.
Ngắm nhìn hiện tượng các ngôi sao thẳng hàng - Ảnh: GETTY IMAGES
Trước đó, cũng trong tháng 4-2022, một số nơi đã có thể quan sát hiện tượng các hành tinh sao Mộc, sao Kim, sao Hỏa, sao Thổ và Mặt trăng cùng nhau xếp thẳng hàng khi nhìn từ Trái đất.
Các hành tinh thẳng hàng này là kết quả do thời gian và quỹ đạo quay quanh Mặt trời của các hành tinh khác nhau.
Dù vẫn ở cách nhau hàng triệu cây số, hiện tượng các hành tinh gần nhau trên bầu trời là do vị trí tương đối của chúng trong Hệ Mặt trời.
Những người yêu thích thiên văn có thể nhìn thấy rõ nhất trước lúc Mặt trời mọc.
TTO - Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang thử nghiệm phương pháp mới để chế tạo kính thiên văn lớn gấp 10-100 lần so với loại kính hiện đại nhất hiện nay.