Du khách tham quan trung tâm TP.HCM bằng xe buýt 2 tầng, ảnh chụp trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 trưa 23-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TS.BS Trần Quốc Cường - bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết khi đi chơi, di chuyển, người dân rất dễ mua những thức ăn đường phố, dọc lề đường, các chợ tự phát… Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Do vậy cần hạn chế mua thức ăn đường phố không đảm bảo như: được bày bán sát mặt đất, gần nơi ô nhiễm (rác thải, cống rãnh, đường xe chạy nhiều bụi, nhiều côn trùng ruồi nhặng bu quanh), không được che đậy kín, nhiều màu sắc tươi, lòe loẹt, người bán không dùng bao tay, không dùng kẹp, bốc thức ăn bằng tay, quần áo trang phục không sạch sẽ, dầu chiên thức ăn ngả màu đen do chiên đi chiên lại nhiều lần… rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Trong quá trình ăn uống, nhiều người chọn các thức ăn như ngon, đặc sản vùng miền… tuy nhiên cần lưu ý chọn hàng quán sạch sẽ, hạn chế tối đa các món có rau sống, hải sản, trứng, thịt sống hoặc tái trong quá trình đi chơi, du lịch như rau sống, gỏi, nem chua, gỏi cá sống… để phòng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, du khách cũng nên hạn chế thử các món ăn lạ để phòng ngừa nguy cơ dị ứng, ví dụ như rắn, côn trùng…
“Nhiều người thường có thói quen mang theo những đồ ăn tự nấu và đóng vào hộp, tuy nhiên đồ ăn tự nấu chỉ để 2 tiếng, nếu nhiệt độ nóng bức thức ăn càng nhanh hỏng do vậy hạn chế đem theo. Chỉ nên mang những đồ ăn đóng gói có bao bì, nhãn mác cẩn thận”, TS Cường nói.
Đối với trẻ nhỏ nên dự trữ đồ ăn, phòng trường hợp những món của người lớn trẻ ăn không được, trẻ dưới 2 tuổi nên mang theo những thức ăn như: sữa, phô mai, xúc xích, cháo tươi ăn liền, bánh gạo, bánh mì.
TS Cường lưu ý, người có tiền sử viêm tụy cấp rất dễ tái phát, thường có liên quan đến các bữa ăn thịnh soạn, tiệc tùng, kết hợp rượu bia… do vậy hạn chế ăn những thức ăn có chứa quá nhiều chất béo, đặc biệt là rượu bia.
Dọc đường người dân có thể trang bị một số loại thuốc cơ bản tùy cơ địa mỗi người, nếu hay dị ứng thức ăn phải mang theo thuốc dị ứng, ngoài ra cần mang theo một số thuốc sau: men tiêu hóa, men vi sinh, dung dịch bù nước khi tiêu chảy (Oresol)…
Chú ý những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch… nhớ mang thuốc, máy và que thử đường huyết, máy đo huyết áp...
Nước rất quan trọng, phải mang chai nước đi theo phòng thiếu nước uống, dễ uống nước ngọt, hoặc nước không đảm bảo vệ sinh không tốt cho sức khỏe.
Thường mọi người có thói quen giảm lượng nước uống khi di chuyển tàu xe do sợ bất tiện phải tìm nhà vệ sinh. Tuy nhiên, mọi người cũng nên chú ý uống đủ nước trong quá trình di chuyển để tránh nguy cơ mất nước, táo bón.
Cuối cùng là trong quá trình mua quà lưu niệm là thực phẩm mang về thì nên chú ý mấy việc: không mua quá nhiều thực phẩm không có lợi cho sức khỏe khi người nhà có các bệnh béo phì, tim mạch, đái tháo đường.
Hạn chế mua quá nhiều bánh, mứt, kẹo, thức uống có cồn các loại. Bên cạnh đó, mua quà lưu niệm nên chọn mua ở những cửa hàng có thương hiệu và uy tín.
ThS.BS Bùi Phạm Minh Mẫn - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cơ sở 3 - cho biết những ngày qua thời tiết ở phía Nam đã vào mùa nắng nóng, nhiệt độ cao nhất lên đến 37-40 độ C.
Thêm vào đó, việc tia UV từ bức xạ mặt trời tăng cao ảnh hưởng không ít đến sức khỏe. Do vậy, trong những ngày nghỉ lễ sắp tới, người dân lưu ý khi ra ngoài vui chơi nhưng vẫn phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng.
"Ngoài ra, vào các ngày nghỉ lễ, người dân thường họp mặt nhau hoặc đi du lịch, dã ngoại… thường dùng bia rượu nhiều.
Việc sử dụng rượu bia không chừng mực ngoài việc dẫn đến những bệnh lý như tăng acid uric máu, gút, ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, tiêu hóa… còn là nguyên nhân của tai nạn giao thông.
Người dân cần tiết chế, tuyệt đối không sử dụng rượu bia nếu phải lái xe. Trường hợp uống rượu bia chỉ nên uống lượng vừa phải để ngày lễ vừa vui trọn vẹn, vừa an toàn", bác sĩ Mẫn nhấn mạnh.
TTO - Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, miền Bắc chịu ảnh hưởng của một đợt gió mùa Đông Bắc gây mưa dông, còn ở miền Nam và TP.HCM cũng có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.