Đó là ngày 21/7/2008, Nguyệt bị đưa ra thi hành án tử hình vì bắt cóc, giết người tại thành phố Bác Lạc, khu tự trị Tân Cương. Thông tin Nguyệt cung cấp về vụ án bao gồm thời gian, địa điểm, người bị hại và hung thủ đều hết sức tỉ mỉ. Do có tình tiết mới, nhân viên chấp pháp hoãn thi hành án.
Nhưng không thể chỉ nghe lời khai của một bên, cảnh sát đến hiện trường theo thông tin Nguyệt cung cấp để xác minh. Nếu lời khai là đúng, anh ta có thể được miễn án tử.
Theo chỉ dẫn, cảnh sát đi tới một ruộng bông, chưa đến nửa tiếng sau đã đào được một bộ xương người hoàn chỉnh. Nguyệt nói người chết tên Dương Diễm, là một công nhân hái bông làm thuê cho anh trai hắn. Hai năm trước Diễm bị bạn trai A Kiệt sát hại do mâu thuẫn tình cảm. Khi chôn, A Kiệt nhờ Nguyệt giúp đỡ.
Theo kết quả khám nghiệm, cảnh sát chứng thực người chết chính là Diễm, thời gian chết hai năm trước, trùng với thời gian cô mất tích. Vụ án vốn hết sức đơn giản, chỉ cần bắt được hung thủ là tất cả đều trở nên rõ ràng. Tuy nhiên khi truy bắt A Kiệt, cảnh sát lại phát hiện người này đã chết do tai nạn giao thông một năm trước.
Điều này có nghĩa vụ án mạng của Dương Diễm đã không thể điều tra, chỉ có thể tìm hiểu thông tin từ lời khai của tử tù. Nguyệt A Kiệt đa tài, đẹp trai phóng khoáng, hát hay múa giỏi, vì vậy rất nhanh đã giành được trái tim Diễm. Sau đó tình cảm của hai người rạn nứt, trong lúc tranh cãi, A Kiệt lỡ tay sát hại.
Hiện trường vụ án là ngôi nhà dân bỏ hoang, bởi vì thời gian đã quá lâu, cảnh sát không thể phát hiện manh mối gì. Không có vật chứng hữu hiệu, chỉ dựa vào lời khai của Nguyệt thậm chí còn không thể xác định nơi này có thật sự là hiện trường hay không. Vì vậy cảnh sát chỉ có thể tiếp tục thẩm vấn.
Theo lời khai của Nguyệt, sau khi sát hại Diễm, Kiệt muốn chôn thi thể ở một công trường khai thác sa thạch, nhưng do nền đất quá cứng, sau khi đào hố rất lâu vẫn chưa đủ, A Kiệt không còn cách nào khác mới phải gọi anh ta tới, nhờ cùng mang thi thể đến ruộng bông.
Các điều tra viên không dễ dàng tin vào lời khai của Nguyệt mà cử người đến tận nơi xem xét, phát hiện độ cứng của nền đất tại công trường khai thác sa thạch và ruộng bông không khác nhau là mấy, muốn đào hố đều tương đối khó khăn. Nếu Kiệt gọi Nguyệt tới, tại sao chúng không tiếp tục đào chiếc hố đang đào dở mà lại di chuyển thi thể đến ruộng bông cũng khó đào không kém?, nhà chức trách đặt câu hỏi.
Từ điểm đáng ngờ này, cảnh sát bắt đầu nghi ngờ Nguyệt có thể biết Kiệt đã chết, cố ý đổ oan để đổi lấy cơ hội miễn tử hình. Nhưng Kiệt chết ngày 28/4/2007, khi đó Nguyệt đã vào tù mấy tháng, không thể biết được chuyện này. Chẳng lẽ Nguyệt nhận được thông tin từ bên ngoài?
Xem xét tư liệu về Nguyệt, cảnh sát phát hiện anh ta có một anh trai là Trương Đắc Niên, cũng đến dự phiên toà xét xử em trai, hơn nữa còn từng gửi quần áo vào trại tạm giam. Nhưng sau khi xem lại video phiên xét xử, cảnh sát phát hiện trong quá trình xét xử Nguyệt bị trông coi hết sức nghiêm khắc, hơn nữa anh trai ngồi rất xa, từ đầu đến cuối hai người không có cơ hội tiếp xúc. Do đó, họ hoàn toàn không thể truyền thông tin. Ngoài ra, đồ đạc Niên gửi vào trại giam cho em trai đều bị quản giáo kiểm tra cẩn thận.
Trở lại điều tra thông tin về Kiệt khi còn sống, cảnh sát có phát hiện bất ngờ. Người yêu của Dương Diễm không phải là Kiệt mà là Niên. Nguyệt không thể không biết về quan hệ giữa Diễm và anh trai, vì sao lại nói Dương Diễm là bạn gái của Kiệt?
Cảnh sát thẩm vấn tử tù này một lần nữa, khi được hỏi đến quan hệ giữa anh trai à Dương Diễm, Nguyệt vẫn tìm cách phủ nhận, chỉ nói cô là công nhân được anh trai thuê. Hơn nữa nơi chôn thi thể Diễm chính là ruộng bông nhà Niên, vì vậy cảnh sát cho rằng hung thủ thật sự sát hại Diễm có thể chính là Niên. Nguyệt tìm cách đổ tội cho Kiệt chính là để anh trai có thể thoát tội.
Niên khai Dương Diễm không phải người yêu, tất cả chỉ là tin đồn. Sau khi hết vụ bông, Niên trả đầy đủ tiền lương cho cô, từ đó hai người không còn liên hệ. Còn tại sao thi thể Diễm bị chôn trong ruộng bông nhà mình, anh ta không hề biết.
Một đội cảnh sát được cử đến quê nhà của Dương Diễm điều tra. Trong nhà của nạn nhân, cảnh sát tìm được một số bức thư, người gửi đều là Niên. Nội dung thư giúp cảnh sát nắm được chính xác quan hệ giữa hai người này.
Năm 2000, Dương Diễm 18 tuổi theo mẹ đến hái bông thuê cho nhà Niên. Quan hệ giữa hai người nhanh chóng phát triển thành tình yêu, không ngờ mẹ của Diễm lại hết sức phản đối vì điều kiện gia đình Niên không được tốt.
Ba năm sau, cha mẹ của Diễm gả con gái cho một thanh niên cùng thôn, một năm sau Niên cũng cưới vợ, nhưng không ai biết là hai người vẫn thư từ qua lại. Mùa bông năm 2006, Diễm lại một lần nữa đến thu hoạch bông cho nhà Niên, đến tháng 11 năm đó thì mất tích.
Lúc này, cảnh sát vẫn còn một nghi vấn chưa được giải đáp, vì sao tử tù Nguyệt biết Kiệt đã chết? Khẳng định hắn không thể biết tin này từ bên ngoài, cảnh sát cho rằng, chỉ có một khả năng duy nhất là hắn hay tin này từ trong trại giam. Rà soát các phạm nhân liên quan, cảnh sát nhanh chóng tìm được đáp án.
Trong số các phạm nhân cùng bị tạm giam với Nguyệt có một người biết Kiệt, vào tù sau khi Kiệt chết. Hai tù nhân tiếp xúc với nhau khi ra ngoài phơi nắng. Có thể, chính người này đã nói về cái chết của Kiệt.
Đối tượng tình nghi số một lúc này là Niên. Khi bị cảnh sát tiếp tục trở lại vặn hỏi về những bức thư gửi cho Diễm, Niên thừa nhận là người yêu cũ của cô. Lý do lúc trước vẫn che giấu vì mình đã có vợ con. Lần cuối cùng Diễm đến thu hoạch bông, Niên cảm thấy tình cảm của hai người không thể tiếp tục, sau khi xong việc liền thanh toán tiền lương cho Diễm về nhà.
Không tìm được chứng cứ buộc tội Niên, vụ án lại rơi vào bế tắc. Gỡ dây phải tìm người buộc dây, cảnh sát quyết định tìm điểm đột phá từ tử tù Nguyệt.
Một chuyên gia tâm lý học tội phạm được mời đến làm cố vấn. Sau khi phân tích vụ án, chuyên gia phát hiện một vấn đề. Năm 2005, Nguyệt phạm tội lừa đảo, năm 2007 phạm tội giết người phân xác. Trong thời gian hai năm, tâm lí tội phạm của hắn thay đổi quá lớn, không phù hợp với quy luật phát triển của tâm lí học tội phạm. Mà thời gian Diễm bị hại nằm ở giữa hai vụ án này, thủ đoạn gây án cũng phù hợp quy luật phát triển của tâm lý học tội phạm. Rất có thể, chính anh ta mới là hung thủ sát hại Diễm.
Với sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý học tội phạm, Nguyệt buộc phải khai nhận toàn bộ vụ việc.
Theo đó, trung tuần tháng 11/2006, Diễm kết thúc công việc tại nhà Niên, nhận đủ tiền lương về nhà. Lúc này, Nguyệt đang kẹt tiền nên nảy sinh ý định giết người cướp của. Hắn dùng xe máy đưa Diễm đến bến xe. Khi đi qua ruộng bông nhà anh trai, thì sát hại cô, chôn xác.
Tháng 3/2007, Nguyệt bị tuyên án tử hình vì bắt cóc, giết người, phân xác. Sắp tới ngày thi hành án, hắn vắt hết óc nghĩ cách trốn tránh tội chết. Sau khi vô tình biết chuyện Kiệt đã chết, nhớ lại vụ án Diễm, hắn nghĩ ra một kế hoạch để được miễn tử hình.
Tháng 10/2008, Nguyệt bị tuyên án tử hình lần thứ hai, lập tức thi hành án. Toàn bộ kế hoạch hắn tỉ mỉ tính toán, chỉ có thể giúp kéo dài tính mạng thêm ba tháng.
Khang Diệp (Theo Toutiao)
Xem thêm: lmth.4386544-oel-noul-ut-ut-auc-iot-od-ek-uum/ten.sserpxenv