Tổng thống Biden trong một chuyến công du châu Âu năm 2021 - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO MỸ
Chuyến công du châu Á của ông Biden diễn ra vào thời điểm Washington đang tìm cách củng cố sự đoàn kết giữa các đồng minh để đối phó với cuộc xung đột Nga - Ukraine, cũng như ảnh hưởng kinh tế và an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Theo Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, Tổng thống Biden sẽ gặp tổng thống mới của Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào ngày 21-5, đưa ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà ông Yoon gặp sau lễ nhậm chức ngày 10-5.
Tổng thống Mỹ sau đó sẽ tới Nhật Bản vào ngày 22-5, nơi ông sẽ gặp Thủ tướng Kishida Fumio. Hai nhà lãnh đạo tiếp đó sẽ tham dự cuộc họp của nhóm Tứ giác kim cương (QUAD) cùng hai thủ tướng Úc và Ấn Độ.
Nhật Bản và Hàn Quốc nằm ở khu vực Đông Bắc Á, là hai nước có quân đội Mỹ đồn trú và một số căn cứ hải quân, không quân quan trọng của Washington tại châu Á.
Triều Tiên dự kiến sẽ là chủ đề thảo luận chính ở cả Seoul và Tokyo sau khi Bình Nhưỡng đề ra một học thuyết mới về sử dụng vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên đã nối lại việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa lần đầu tiên kể từ năm 2017 vào tháng trước. Điều này làm dấy lên lo ngại ở Seoul và Washington về việc Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho một đợt thử hạt nhân mới.
Tổng thống Yoon và Tổng thống Biden sẽ tổ chức các cuộc thảo luận sâu về nhiều vấn đề, bao gồm phát triển liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc, "điều phối chính sách về Triều Tiên, an ninh kinh tế và các vấn đề quốc tế, khu vực", người phát ngôn của ông Yoon, ông Bae Hyun Jin cho biết thêm.
Tại Tokyo, theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Hirokazu Matsuno, ông Biden và ông Kishida sẽ tìm cách xây dựng mối quan hệ của họ để hướng tới hòa bình, thịnh vượng hơn nữa ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và rộng hơn thế.
Chuyến công du Đông Bắc Á của ông Biden diễn ra không lâu sau khi ông gặp trực tiếp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN trong hai ngày 12 và 13-5 tại Mỹ.
Giới quan sát nhận định các nỗ lực ngoại giao mới của Mỹ tại châu Á là một nỗ lực nhằm trấn an khu vực trước lo ngại Washington đang sao nhãng châu Á và cuộc cạnh tranh với Trung Quốc vì vấn đề Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Biden hồi tháng 2 đã công bố ý tưởng về một chiến lược mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thay cho cách tiếp cận của chính quyền tiền nhiệm.
Hôm 26-4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết "trong vài tuần nữa" ông sẽ công bố chi tiết chiến lược an ninh của Mỹ để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Cuộc gặp đặc biệt với ông Moon Jae In
Theo nhật báo Chosun Ilbo, cuộc gặp của Tổng thống Biden và ông Yoon Suk Yeol đánh dấu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn sớm nhất, tính từ thời điểm một tổng thống Hàn Quốc nhậm chức.
"Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để củng cố hơn nữa mối quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mỹ từ những ngày đầu tiên của chính phủ mới với sự lãnh đạo của ông Yoon Suk Yeol" - Nhà Xanh (Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc) bày tỏ.
Dẫn một số nguồn thạo tin khác, tờ Chosun Ilbo cũng tiết lộ nhiều khả năng ông Biden sẽ gặp ông Moon Jae In trong chuyến công du lần này. Ông Moon sẽ rời Nhà Xanh sau ngày 10-5 tới.
Trong thời gian tại nhiệm, ông Moon đã nhiều lần gặp mặt người đồng cấp Mỹ, trong đó có hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn hồi cuối tháng 5 năm ngoái.
Cả hai vị tổng thống cũng từng tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào tháng 6 và hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) tháng 11 năm ngoái. Ông Moon và ông Biden được cho là có mối quan hệ tốt đẹp trong thời gian cầm quyền.
UYÊN PHƯƠNG
TTO - Trong nỗ lực tìm giải pháp giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn có được sự hợp tác về chuỗi cung ứng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Xem thêm: mth.89601504182402202-cuhc-mahn-man-1-noh-uas-a-uahc-maht-ym-gnoht-gnot/nv.ertiout