VN-Index khởi đầu phiên giao dịch ngày 28/4 trong sắc đỏ khi áp lực bán vẫn còn lớn đến từ nhiều mã trụ cột nhóm VN30 như VCB, GAS, SAB, VHM, VIC, TPB, VNM… Khoảng 30 phút sau, đà giảm thu hẹp khi nhiều mã bứt phá và tăng điểm tốt như FPT, HPG, TCB, MWG…
Tuy nhiên, thị trường không xác định đà tăng - giảm suốt phiên mà liên tục thay đổi, tăng giảm thất thường trong biên độ giao động không quá lớn. Dòng tiền của các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong phiên giao dịch.
Đến hết phiên sáng, VN-Index giảm 6,25 điểm xuống mốc 1.347,52 điểm, nguyên nhân xuất phát từ sự ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Rổ VN30 giảm 6,32 điểm, có 24 mã giảm nhưng chỉ có 6 mã tăng.
Dòng tiền tiếp tục chảy vào nhóm cổ phiếu liên quan đến hệ sinh thái FLC, gồm FLC (Tập đoàn FLC); ROS (FLC Faros); AMD (Khoáng sản FLC); HAI (Nông dược HAI); ART (Chứng khoán BOS); KLF (Xuất nhập khẩu CFS). Các mã này tăng tích cực trong suốt cả phiên sáng. Đây đã là phiên tăng điểm tích cực thứ 5 của nhóm cổ phiếu này. Trong đó, ROS và ART tăng kịch trần.
Thị trường giằng co liên tục. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,78 điểm, tương ứng 0,21% xuống 1.350,99 điểm. Toàn sàn có 240 mã tăng, 186 mã giảm và 66 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,11 điểm, tương ứng 0,87% lên 360,2 điểm. Toàn sàn có 150 mã tăng, 78 mã giảm và 46 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,32 điểm, tương ứng 1,3% lên 102,69 điểm.
Mã BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp là mã tác động tích cực nhất đến chỉ số chung hôm nay khi tăng tới hơn 6%. HPG cũng là một trong những mã tác động tích cực nhất khi tăng hơn 1% với 13,6 triệu cổ phiếu được sang tay.
Có 2 mã thuộc nhóm ngân hàng là TCB và VPB cũng tác động tích cực tới chỉ số. Nhóm ngân hàng hôm nay phân hóa rõ nét. Một số mã vẫn giữ được sắc xanh như ABB, ACB, HDB, NAB, OCB… song nhiều mã chìm trong sắc đỏ với biên độ giảm từ 1-4% như BID, CTG, MBB, LPB, MSB… Trong đó, BID và TPB nằm trong nhóm những mã tác động xấu nhất đến thị trường.
Nhóm cổ phiếu dầu khí có 3 mã là PLX, PVC, PVS giảm điểm, còn lại đều tăng tích cực. Nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất như BFC, CSV, DCM, DGC, DPM, LAS, PMB cũng giữ được sắc xanh cho đến kết phiên ngày 28/4.
Nhóm chế biến thủy hải sản xuất hiện sự khởi sắc về cuối tuần. Sau chuỗi ngày liên tiếp nằm sàn và giảm điểm mạnh, màu xanh đã quay trở lại với các cổ phiếu như VHC, IDI, ANV, FMC, ABT, AAM, CMX…
Nhóm cổ phiếu bán lẻ chỉ có FRT, DGW giữ được sắc xanh, còn lại các mã khác đều giảm điểm như MWG, PNJ hay VRE.
Tại nhóm bất động sản, các mã vốn hóa lớn như VHM, VIC, KDH, PDG đã thu hẹp đà sụt giảm so với phiên sáng song kết phiên vẫn duy trì màu đỏ. Một số cổ phiếu đầu cơ là DIG, CEO, L14 đều suy yếu và tiến sát đến mức giá sàn.
Cổ phiếu "họ Louis" sau nhiều phiên bị bán tháo khi ông Đỗ Thành Nhân bị khởi tố và bắt tạm giam, phiên 29/4 tiếp tục có tới 2 mã tăng kịch trần là TGG, AMG và BII. 2 mã TGG và BII hôm qua cũng tăng trần. DDV tăng 7,6%. Ngược lại, SMT giảm 2%. LDP hôm 27/4 giảm sàn từ phiên sáng song nay đảo chiều tăng kịch trần.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 308 tỷ đồng, nhiều hơn mức bán ròng hơn 200 tỷ đồng phiên ngày 27/4. VHM bị bán ròng khối lượng đột biến lên tới gần 213 tỷ đồng. Ngược lại, HPG, một trong những cổ phiếu liên tục bị bán ròng cả năm 2021 và quý đầu năm 2022 phiên hôm nay lại ghi nhận lượng mua ròng lên tới 120 tỷ đồng. Ngoài ra, NLG được mua ròng 72,4 tỷ đồng, HDB 32,9 tỷ đồng, VCB 22 tỷ đồng…
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước và duy trì ở mức thấp. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 13.976 tỷ đồng, giảm 5,9% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 5,5% xuống còn 12.261 tỷ đồng.