Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA) chỉ ra sáu khó khăn, thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê sẽ phải đối mặt trong giai đoạn sắp tới bởi hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố như, nguồn cung cà phê, thị trường, cầu cà phê thế giới...
Thứ nhất, sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam không nằm trong danh mục được ưu tiên về thuế quan tại các thị trường như Mỹ, EU và Nhật Bản. Các nước này áp dụng thuế nhập khẩu từ 2,6 đến 3,1% đối với cà phê Việt Nam. Trong khi đó, nguồn cung xuất phát từ các nước Châu Mỹ lại được ưu ái thuế 0%. Đây là thiệt thòi rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam khi làm giảm tính cạnh tranh tại các thị trường này.
Thứ hai, ngành cà phê thiếu tính nhất quán, đồng bộ chung khi chưa đặt chiến lược phát triển trong tổng thể ngành nông nghiệp cũng như kinh tế Việt Nam. Hậu quả của điều này là ngành hàng không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chiến lược phát triển nông nghiệp chung của cả nước.
Thứ ba, việc tính linh hoạt trong chính sách còn hạn chế cũng là một rào cản lớn. Mặc dù hiện nay có nhiều điều khoản ưu đãi đối với tất cả các tác nhân tham gia kênh sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê như lãi suất thấp, khoanh nợ, giãn nợ… nhưng tất cả các yếu tố để tiếp cận với chính sách này đều chưa theo sát với thực tế. Những quy định về cho vay vốn hiện nay đặt nặng đến giá trị của tài sản thế chấp hơn là khả năng sinh lợi từ dự án vay. Đối với các nông hộ và doanh nghiệp quy mô nhỏ, việc thiếu tài sản thế chấp là cản trở lớn nhất khi vay vốn. Bên cạnh đó là các thủ tục hành chính của nhiều ngân hàng chưa thực sự thông thoáng.
Thứ tư, trong 10 năm qua, nguồn vốn đầu vào cơ sở hạ tầng tăng nhanh nhưng chưa đem lại sự cân đối. Rất nhiều điểm thu mua cà phê tại các vùng sâu vùng xa chưa có hạ tầng phát triển dẫn đến chi phí vận tải tăng cao, ảnh hưởng đến giá cà phê thu mua sẽ thấp tại các điểm này. Trong khi đó, chi phí sử dụng mạng Internet hiện nay ở nước ta vẫn còn cao hơn các nước trong khu vực.
Thứ năm, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch quốc tế do thiếu những kỹ năng cơ bản như đàm phán thương mại, khai thác, xử lý tin tức…
Cuối cùng, ở các nước có mức tiêu thụ cà phê lớn, rất coi trọng vấn đề kiểm tra và giám sát chất lượng, xuất xứ và thương hiệu của hàng hoá, trong khi ở Việt Nam hoạt động này chưa được chú trọng đối với ngành cà phê từ sản xuất đến xuất khẩu. Trong khi đó, hệ thống kiểm tra, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của nước ta còn nhiều hạn chế khiến cho tệ nạn hàng giả, hàng nhái có xu hướng gia tăng trong thời gain gần đây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ do chi phí để bảo vệ thương hiệu hàng hoá vượt quá sức của họ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Đức trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 2,12 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản khả quan của Việt Nam vào thị trường khó tính bậc nhất tại EU này đang cho thấy chất lượng hàng nông sản của Việt Nam đã được nâng cao và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của phía đối tác nhập khẩu. Với việc tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Đức dự báo có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Mai Hồng Khanh, Phó Trưởng chi nhánh Hà Nội của công ty TNHH Tâm Châu, có trụ sở tại Lâm Đồng cho biết, kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại nền kinh tế sau một thời gian dài chống dịch, hoạt động kinh doanh của chi nhánh tại Hà Nội khởi sắc trông thấy với doanh số bán hàng trong nước liên tục tăng trưởng, kèm theo đó là các đơn hàng từ nước ngoài đã đầy ắp từ nay đến cuối năm.