Để đảm bảo công tác thu thuế chuyển nhượng bất động sản diễn ra hiệu quả, tránh tình trạng thất thu thuế, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước cũng như tiếp tay cho các đối tượng xấu có cơ hội phá giá thị trường, ngày 28/4/2022, Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 3849/BTC-TCT gửi UBND các tỉnh về việc chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Nội dung công văn tập trung vào yêu cầu UBND các tỉnh quy định lại Bảng giá đất có hệ số sát với giá thị trường, thường xuyên khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu giá giao dịch từ chuyển nhượng bất động sản.
Cần đẩy mạnh chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản
Thông tin từ Tổng cục Thuế, bằng các giải pháp nghiệp vụ cộng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nên số tiền thuế thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã có những kết quả tích cực. Năm 2020 tăng gần 1.800 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 12% so với năm 2019; năm 2021 tăng hơn 4.900 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 30% so với năm 2020. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022 tăng 3.200 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 63% so với 3 tháng đầu năm 2021.
Trong giai đoạn 1/1/2021 - 15/1/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh chống thất thu với 233.983 tổ chức, cá nhân có hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, qua đó tăng thu hơn 500 tỷ đồng. Chỉ riêng từ ngày 1/1 - 31/3, cơ quan thuế đã thực hiện đấu tranh với 60.289 hồ sơ, số thu tăng hơn 326 tỷ đồng.
Những kết quả nêu trên cho thấy, nếu việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản được thực hiện một cách hiệu quả sẽ đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Chưa kể, việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản còn giúp điều tiết thị trường, tránh tình trạng “hét giá”, “thổi giá” bất động sản lên cao cũng như góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính - kinh tế nhìn nhận, vai trò của việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản rất lớn. Nó không chỉ đóng góp nguồn thu cho Nhà nước, điều tiết thị trường bất động sản mà còn cho thấy thái độ tuân thủ và thực hiện quy định pháp luật của người dân.
“Khi thu thuế chuyển nhượng bất động sản đúng và đủ sẽ đem lại một nguồn tiền lớn cho ngân sách quốc gia. Đơn cử như năm 2021, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 các giao dịch bất động sản bị hạn chế nhưng nguồn thu thuế chuyển nhượng bất động sản cả nước ta vẫn thu về hơn 4.000 tỷ đồng, đây là một con số lớn đáng ghi nhận.
Chưa kể, việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản được thực thi quyết liệt và sát với giá giao dịch trên thị trường sẽ đảm bảo bình ổn thị trường bất động sản, tránh tình trạng kê khai hai giá đã và đang tồn tại nhiều năm nay.
Ngoài ra, công tác thu thuế chuyển nhượng bất động sản cũng cho thấy vai trò của việc tuân thủ các quy định pháp luật. Những gì pháp luật quy định phải làm thì người dân phải có tránh nhiệm thực thi. Đối tượng nào lách luật, đối tượng đó phải chịu xử phạt theo quy định”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Vì vậy, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần phải sớm đẩy mạnh các hoạt động chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản. Từ cơ quan cấp Bộ đến các địa phương cần phải sát sao công tác thu thuế, thu đúng và đủ để đem lại hiệu quả tốt nhất cho nhiều bên.
UBND tỉnh cần ban hành Bảng giá đất có hệ số điều chỉnh giá đất
Thực tế cũng cho thấy, từ cuối năm 2021 đến nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có nhiều lần chỉ đạo Tổng cục Thuế, các cục thuế địa phương, UBND cấp tỉnh thực hiện các biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc thu thuế hoạt động kinh doanh bất động sản đang gặp không ít vướng mắc. Theo các phản ánh, có một số cán bộ thuế gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; các chính sách liên quan đến đất đai cũng chưa đồng bộ nên việc áp thuế đất sát với giá thị trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo PGS. TS. Định Trọng Thịnh, Luật Đất đai đang quy định bảng giá đất ổn định 5 năm, trong khi thực tế giá thị trường bất động sản lại biến động liên tục và thực chất là cao hơn nhiều so với giá được quy định. Hiện nay cũng chưa có cơ quan nào xây dựng cơ sở dữ liệu về giá giao dịch trên thị trường bất động sản. Những thực tế này đang gây ra khó khăn không nhỏ cho việc tính thuế chuyển nhượng bất động sản tại các giao dịch.
Vì vậy, hiện nay Bộ Tài chính đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, để đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, trong Công văn 3849/BTC-TCT Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo một số nội dung. Cụ thể như:
Thứ nhất, đối với các vị trí đất, đoạn đường, đường đã có giá theo Bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, đề nghị UBND cấp tỉnh ban hành Bảng giá đất (trong đó bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất) nhằm tạo điều kiện cho công tác tính thuế theo quy định nêu trên.
Thứ hai, đối với các vị trí đất, đoạn đường, đường chưa có giá tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát để tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành kịp thời Quyết định điều chỉnh, bổ sung Bảng giá đất cụ thể đối với từng vị trí, đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thực tế trên thị trường và giá bán ra của chủ đầu tư.
Trong trường hợp chưa ban hành thì yêu cầu chủ đầu tư trên địa bàn công khai giá bán theo quy định và thông báo cho các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện các giao dịch về bất động sản hình thành trong tương lai cũng như khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng bất động sản.
Thứ ba, đối với trường hợp hồ sơ chuyển nhượng bất động sản nộp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông (Cơ quan Tài nguyên Môi trường, cơ quan Đăng ký đất đai, Bộ phận Một cửa của UBND…): Cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông có trách nhiệm phổ biến pháp luật, tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế rõ vị trí, đường phố, các xác định và áp dụng cụ thể giá của từng loại bất động sản (bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất theo quy định của UBND cấp tỉnh) để tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện đúng khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng bất động sản.
Thứ tư, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan thường xuyên khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu giá giao dịch từ chuyển nhượng bất động sản làm căn cứ để tham mưu UBND cấp tỉnh xác định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế.
Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo cơ quan thuế cung cấp cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai thuế trong trường hợp có phát sinh biến động về giá cao hơn giá UBND đã ban hành (bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất) cho các cơ quan liên quan để tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành Bảng giá mới cũng như hệ số điều chỉnh kịp thời theo quy định pháp luật về đất đai.
Tại cuộc họp chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản vừa diễn ra hôm 25/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cũng yêu cầu trong thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục tập trung tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đã giao dịch và kê khai thuế để làm căn cứ tính thuế theo quy định.
Đánh giá về những hành động chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng về việc chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, PGS. TS. Định Trọng Thịnh cho rằng, đây là hành động cần thiết và kịp thời. Việc yêu cầu UBND tỉnh cần ban hành Bảng giá đất có hệ số điều chỉnh giá đất sẽ giúp việc tính thuế chuyển nhượng bất động sản chính xác và sát với giá giao dịch bất động sản trên thị trường./.
Xem thêm: lmth.51511000042210202-sdb-gnouhn-neyuhc-euht-uht-taht-gnohc/nv.semitaer