Dù thời gian qua gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ, nhiều ngân hàng (NH) Việt đã đạt kết quả ấn tượng và khẳng định được thương hiệu. Đặc biệt, nhờ chuyển đổi số, các NH đã giúp khách hàng thuận lợi, tiết kiệm chi phí trong giao dịch.
Khách hàng hưởng lợi
Thời gian gần đây, hàng loạt NH tăng tốc phát triển NH trực tuyến. Chị Thu Vân, nhà ở quận 2, TP.HCM, chia sẻ trước đây để mở tài khoản NH, chị phải xin nghỉ việc cơ quan nửa ngày đi làm thủ tục. Bởi chị phải đến tận phòng giao dịch, chi nhánh của NH phát hành thẻ để lấy số thứ tự, xếp hàng chờ tới lượt… Nếu tính thêm cả thời gian đi lại thì việc mở một thẻ NH khiến chị mất tối thiểu 2-3 tiếng.
Robot giao dịch ngân hàng
Nhiều khách hàng tỏ ra hào hứng với mô hình NH tự động. Chị Thu Thủy, một khách hàng ở quận 2, TP.HCM, chia sẻ mới đây lần đầu tiên chị được trải nghiệm robot phục vụ giao dịch tại một NH.
“Robot không chỉ chào hỏi, nhảy múa mà còn có thể giải đáp cho khách hàng nhiều thắc mắc về tài chính. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho cả khách hàng và NH” - chị Thủy nhận xét.
Thế nhưng giờ đây các NH đều áp dụng việc mở tài khoản thanh toán thông qua xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC). “Với cách thức này, tôi chỉ cần có điện thoại kết nối Internet thì ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, sau vài thao tác đơn giản đã hoàn tất việc mở tài khoản thanh toán. Điều này giúp tôi tiết kiệm thời gian, công sức” - chị Vân nói.
Tương tự, chị Hoài Anh (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết trước đây cứ mỗi tháng đóng tiền học phí cho con là chị phải xếp hàng chờ dài cổ mới tới lượt. Có lần không thể thu xếp thời gian chờ tới lượt để nộp tiền học, chị đành phải cho tiền vào phong bì, ghi tên con, tên lớp... rồi nhờ cô bảo mẫu đóng giúp.
“Nay nhờ chủ trương chuyển đổi số và hạn chế dùng tiền mặt… của ngành NH mà mọi thứ đã khác. Nhà trường khuyến khích phụ huynh chọn phương thức chuyển khoản học phí thay vì đóng tiền mặt” - chị Hoài Anh cho biết.
Thực tế hiện nay hầu hết các nhu cầu giao dịch của khách hàng đã được đáp ứng, có khi chỉ trong “một nốt nhạc” là xong. Đơn cử như dịch vụ gửi tiền tiết kiệm, mở tài khoản, thanh toán thẻ, chuyển chứng từ tự động, thanh toán hóa đơn điện… Hơn nữa, khách hàng có thể nộp hay rút tiền từ tài khoản của NH bằng QR Code.
Chính vì vậy, không chỉ người dân mà nhiều nhà kinh doanh ví von việc chuyển đổi số, thanh toán số, dịch vụ NH điện tử của NH như “trợ thủ” đắc lực cho họ trong việc thanh toán, quản trị tài chính và quản lý vận hành hằng ngày. Từ đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp về thời gian, hiệu quả và nguồn nhân lực.
Khách hàng trải nghiệm giao dịch tự động từ ngân hàng. Ảnh: TL |
Chuyển đổi số là “con gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng
Việc chuyển đổi số mạnh mẽ không chỉ góp phần giúp khách hàng cá nhân, doanh nghiệp giao dịch thuận lợi mà còn giúp các NH tạo ra lợi thế cạnh tranh, tiết giảm chi phí vận hành, tăng trưởng lợi nhuận.
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank cho biết: Trong vài năm gần đây, đơn vị đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mở rộng các sản phẩm số với các tiện ích đa dạng. Đơn cử như kết nối API chuyển khoản tự động 24/7, chuyển khoản ngoại tệ trên eB, bán ngoại tệ theo tỉ giá thỏa thuận, mở tính năng thẻ doanh nghiệp…
“Nhờ các giải pháp trên, chúng tôi kết nối được gần 10 triệu khách hàng. Đặc biệt bình quân sản phẩm dịch vụ mỗi khách hàng sử dụng tăng hơn 17%, doanh số giao dịch qua kênh điện tử tăng 43%” - bà Diễm nói.
Là một trong những NH tiên phong trong chuyển đổi số, Nam A Bank cũng chú trọng đầu tư công nghệ để gia tăng trải nghiệm khách hàng. Ví dụ NH này ra mắt hệ sinh thái số ONEBANK, Robot OPBA; nâng cấp toàn diện NH số Open Banking với giao diện hiện đại, tăng tính năng, tiện ích. Qua đó giúp khách hàng thực hiện các giao dịch NH trực tuyến nhanh chóng, an toàn.
Đáng chú ý, dịch vụ NH số VCB DigiBiz của Vietcombank mới đây đã được trao giải Sao Khuê 2022. Đại diện Vietcombank cho hay đơn vị đã tiên phong chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào các sản phẩm, dịch vụ số cho các phân nhóm khách hàng khác nhau. Trong đó phải kể đến kênh NH số VCB Digibank dành cho khách hàng cá nhân và giải pháp số hoàn toàn mới dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đây là kênh NH số đồng nhất, giúp nhà kinh doanh có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, với các phương thức xác thực hiện đại, hạn mức giao dịch tối đa trên VCB DigiBiz lên tới 100 tỉ đồng/ngày hoặc 4,5 triệu quy USD đối với giao dịch ngoại tệ.
Đại diện các NH có chung nhận định một trong những xu hướng chuyển đổi số quan trọng mà họ đang hướng tới là hình thành hệ sinh thái thông minh, tự động, kết nối dịch vụ NH số với các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, qua đó mang lại trải nghiệm liền mạch cho khách hàng. Một số NH còn triển khai mô hình NH tự động giúp khách hàng chỉ mất khoảng 30 giây để xử lý giao dịch. Với xu hướng mới này, khách hàng có thể thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi.•
Hướng tới mục tiêu giao dịch tự động
Số liệu thống kê của NH Nhà nước cho thấy gần như toàn bộ thương mại, chi nhánh NH nước ngoài đã và đang xây dựng chiến lược cũng như triển khai chuyển đổi số.
Cơ quan này đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng thực hiện trên các kênh số; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động.
Liên quan đến xu hướng này, các chuyên gia kinh tế tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định nhiều NH đang có cơ hội giảm chi phí vốn huy động nhờ việc đầu tư mạnh vào công nghệ số hóa nhằm thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn. Cùng với đó, việc số hóa còn thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ phân phối bảo hiểm qua kênh NH, phí dịch vụ thẻ, kiểm soát tốt chi phí hoạt động và chi phí dự phòng.