vĐồng tin tức tài chính 365

Đột phá từ trung tâm tài chính quốc tế

2022-04-30 07:21

TP HCM đang có những cơ hội rất lớn để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế. Việc cần làm lúc này là xác định mô hình và định hướng đầu tư để sớm triển khai.

Tài chính số là mũi nhọn

Báo cáo gần đây nhất của Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) về tiến độ xây dựng Đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế nêu rõ định hướng phát triển trung tâm tài chính tại TP HCM gắn với tiến trình phát triển đô thị, có sự kết nối hoạt động tài chính tại khu đô thị hiện hữu (quận 1 và quận 3) với khu đô thị mới (Thủ Thiêm) song song với tiếp cận theo hướng không gian mềm. Trong đó, cốt lõi là thị trường tiền tệ - ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh, các định chế tài chính và các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ trực tiếp và gián tiếp.

Về lộ trình, giai đoạn 2021-2025 sẽ củng cố nền tảng vững chắc, chuẩn bị điều kiện cần thiết để TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế từ năm 2026. Về mô hình, trung tâm tài chính này dự kiến được xây dựng theo 3 cấu phần, gồm: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, thị trường hàng hóa phái sinh. TP HCM đặt mục tiêu trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố được xếp hạng trong nhóm 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới vào năm 2030 theo đánh giá Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) và thuộc nhóm 20 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới vào năm 2045.

Nhằm triển khai ngay lộ trình nói trên, một trong những chương trình hành động cụ thể được TP HCM khẩn trương thực hiện là phát triển công nghệ tài chính (Fintech), ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số trở thành mũi nhọn của trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, để làm được, cần sự đột phá mạnh mẽ về cơ chế, chính sách. Bởi lẽ, với tính chất phức tạp của các hoạt động tài chính, khi kết nối sâu, rộng với bên ngoài, nhất là trong xu hướng phát triển của các loại hình dịch vụ tài chính mới và sáng tạo, sẽ phát sinh rủi ro tiềm ẩn.

Theo PGS-TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - ĐHQG TP HCM, khoảng 10 năm trở lại đây, Fintech đang định hình lại sự phát triển và tương lai của ngành dịch vụ tài chính khi phá vỡ các dịch vụ, sản phẩm truyền thống. Fintech trở thành nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm tài chính hiện hữu nhưng cũng là cơ hội cho những trung tâm non trẻ ra đời. Vì vậy, thúc đẩy phát triển trung tâm công nghệ tài chính sẽ phục vụ cho kế hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM.

TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhìn nhận dù 20 năm trước, chúng ta đã mơ ước xây dựng trung tâm tài chính quốc tế nhưng điều kiện chưa thật sự thuận lợi, cơ hội chưa tới, dòng chảy thương mại - đầu tư chưa đổ về. Nay với việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, hội nhập toàn cầu và có sức ảnh hưởng nhất định trên thị trường đầu tư - thương mại, nhất là khi dòng chảy thương mại - đầu tư có sự dịch chuyển nhất định từ những "công xưởng của thế giới" sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, chúng ta đã có cơ hội để xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế. "Cần quyết tâm chính trị rất lớn để triển khai một trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM trong bối cảnh có cơ hội" - TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh.

Đột phá từ trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh 1.

Hội thảo “Đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế” tổ chức ngày 25-2-2022, tại TP HCMẢnh: TẤN THẠNH

Hút vốn từ "đại bàng"

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), đánh giá khu vực tài chính của TP HCM là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế cả nước. Nhu cầu nguồn lực để phát triển TP HCM trong 25 năm tới là rất lớn song nguồn lực trong nước chưa bảo đảm, cần đến nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài. Để thu hút được nhà đầu tư chiến lược có uy tín, cần cơ chế chính sách ưu đãi đột phá, mang tính cạnh tranh quốc tế, vượt trội so với khung pháp lý hiện hành.

Theo Công ty Tư vấn Luật và Tài chính Shearman & Sterling, nếu có trung tâm tài chính, TP HCM sẽ quy tụ được nhiều định chế tài chính hàng đầu thế giới, góp phần phát triển thị trường tài chính lên tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đặc biệt, đây sẽ là kênh hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư công cho TP HCM và khu vực ĐBSCL. Từ đây, sẽ tạo ra tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế TP HCM và cả nước, tạo hiệu ứng gia tăng sức hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư và phát triển hạ tầng, tạo các chuỗi cung ứng gắn với dịch vụ tài chính và các dịch vụ thương mại cao cấp khác.

Một hướng tiếp cận khác trong câu chuyện xây dựng trung tâm tài chính ở TP HCM, theo TS Lê Đạt Chí, là xác định logistics trở thành lĩnh vực nắn dòng vốn đầu tư chảy vào để hấp thụ. Chẳng hạn, cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là cụm cảng nước sâu quy mô lớn nhất và có lợi thế nhất cả nước, là cửa ngõ tiếp cận hàng hóa vào TP HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Yếu tố này thuận lợi cho việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế gắn với đầu ra của dòng vốn là hướng vào hoạt động logistics.

"Xây dựng TP HCM trở thành trung tâm tài chính là hợp lý để tài trợ cho hoạt động thương mại, logistics xung quanh Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Hạ tầng giao thông thời điểm này có thể chưa đồng bộ, chưa phát triển tương xứng nhưng với tầm nhìn 10-15 năm tới thì việc đầu tư không quá khó, song cần xác định mục tiêu, nguồn lực" - ông Chí phân tích.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, để hoàn thành mục tiêu TP HCM trở thành thành phố thông minh, dịch vụ công nghiệp hiện đại, việc phát triển một hệ thống vận chuyển hàng hóa chuyên nghiệp trong thời đại kỷ nguyên số, thương mại điện tử và xuất nhập khẩu phát triển là rất cần thiết. Vì vậy, cùng với kế hoạch thành lập Hãng Hàng không IPP Air Cargo, IPPG cũng đã thành lập Công ty Bellazio Logistics chuyên về vận chuyển và xây dựng các chuỗi kho trung tâm trên cả nước.

"Chúng tôi đã đề xuất nghiên cứu đầu tư khu chuỗi kho logistics tại TP Thủ Đức, TP HCM. Đây sẽ là mắc xích trong chuỗi vận hành hệ thống vận chuyển hàng hóa đến các tỉnh, thành cả nước; là nơi trung chuyển, hỗ trợ các khu công nghiệp lân cận; tạo hệ thống dịch vụ khép kín trong vận chuyển đường hàng không, đường biển, đường sắt và đường bộ" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận xét. 

Tầm nhìn tương lai

Tại tọa đàm "Đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM" do Báo Người Lao Động tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia cũng đã cho ý kiến về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh trung tâm tài chính quốc tế phải được xây dựng theo quy mô, mô hình của tương lai. Tức là mô hình trung tâm tài chính quốc tế không chỉ cạnh tranh vượt trội mà cần phải khác biệt và trong vài chục năm nữa vẫn phát huy hiệu quả.

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI của TP HCM. Tinh thần là phải tập trung trong điều kiện có thể để hình thành trung tâm tài chính quốc tế sớm nhất, phù hợp xu hướng phát triển của TP HCM.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho rằng cần có cơ chế đột phá, ưu đãi mạnh mẽ để thu hút được các "đại bàng" đến đầu tư vào TP HCM thay vì các thị trường khác.

Xem thêm: mth.75482500282402202-et-couq-hnihc-iat-mat-gnurt-ut-ahp-tod/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đột phá từ trung tâm tài chính quốc tế”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools