Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã bóc trần những bài quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật. Những sản phẩm được nhà sản xuất "vẽ" với những công dụng thần kỳ, dù thực tế, tác dụng của chúng không được như quảng cáo.
Để tăng sự "uy tín", nhà sản xuất thường thuê các diễn viên, thậm chí người nổi tiếng để quảng bá công hiệu cho sản phẩm, trong khi họ chưa hề sử dụng.
Quảng cáo sai sự thật có thể đối mặt với hình phạt tù
Trước tình trạng trên, luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính) nhận định, các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung hoặc không đúng nội dung đã được thẩm định, không hề ít.
Theo luật sư, Luật Dược năm 2016 có quy định, thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người, bao gồm: Thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vaccine và sinh phẩm.
Trong khi đó, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có chức năng chữa bệnh thì được điều chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật riêng.
Cụ thể, Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.
Về việc quảng cáo, đối với thuốc, luật sư cho biết, tổ chức, cá nhân muốn quảng cáo thuốc đến người tiêu dùng thì phải đáp ứng các điều kiện về quảng cáo thuốc, tại Điều 6 Luật Dược năm 2016 quy định về "cấm quảng cáo thuốc" khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận.
Còn với thực phẩm chức năng, Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, là bị cấm.
Dưới góc pháp lý, bà Khuyên cho biết, hành vi quảng cáo thuốc khi chưa có sự xác nhận nội dung của cơ quan quản lý nhà nước sẽ bị xử phạt 30 - 40 triệu đồng, đối với cá nhân và gấp 2 lần với tổ chức, theo quy định tại Điều 67 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Trong khi đó, hành vi quảng cáo sai sự thật với thực phẩm chức năng sẽ bị xử lý theo Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012, với mức phạt 60 - 80 triệu đồng. Thậm chí, nếu có căn cứ xác định hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự, tội Quảng cáo gian dối.
Các diễn viên cũng không "vô can"
Theo Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính, nghệ sĩ, diễn viên đóng trong các quảng cáo sai sự thật mà họ không biết, không nhận thức được đây là những mặt hàng không có những công dụng như vậy thì không vi phạm.
Tuy nhiên, nếu họ biết, nhận thức được các sản phẩm đang được quảng cáo "lố", sai sự thật, mà vẫn nhận lời đóng, thì sẽ bị xem xét trách nhiệm pháp luật, đồng thời bị đánh giá về khía cạnh đạo đức.
"Nghệ sĩ, diễn viên không thể vì lợi ích vật chất mà thực hiện các hành vi tiếp tay cho gian thương, quảng cáo sai về hiệu năng của thuốc, thực phẩm chức năng", luật sư Khuyên nói.
Về chế tài xử phạt, bà Khuyên cho biết những người cố tình đóng quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý theo Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, những nghệ sĩ, diễn viên trên còn có thể bị cấm sóng theo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, theo Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ban hành ngày 13/12/2021.