vĐồng tin tức tài chính 365

Lạm phát Eurozone hạ nhiệt và câu chuyện lãi suất ở châu Âu

2023-04-01 10:59

Lạm phát Eurozone hạ nhiệt mạnh hơn dự kiến

Các số liệu vừa được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 3 ở mức tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn so với mức dự báo 7,1% mà Bloomberg và công ty dữ liệu tài chính FactSet đưa ra trước đó, đồng thời hạ nhiệt đáng kể so với mức 8,5% trong tháng 2. Đây cũng là mức tăng lạm phát thấp nhất trong vòng một năm qua của Eurozone.

Lạm phát Eurozone hạ nhiệt và câu chuyện lãi suất ở châu Âu - Ảnh 1.

Lạm phát tại Eurozone trong tháng 3 ghi nhận mức tăng thấp nhất trong vòng một năm qua (Nguồn: Financial Times)

Nguyên nhân chính dẫn đến sự hạ nhiệt lạm phát là do chi phí năng lượng, vốn tăng vọt trong năm ngoái khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, đã ghi nhận tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021, với mức giảm 0,9%. Thời tiết mùa Đông ấm hơn thường lệ tại châu Âu đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt, trong khi các nước châu Âu cũng dần hạn chế được sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ Nga. Các nhà kinh tế cũng dự đoán giá năng lượng sẽ tiếp tục xu hướng giảm, như đã từng xảy ra sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi năm 2020.

Lạm phát Eurozone hạ nhiệt và câu chuyện lãi suất ở châu Âu - Ảnh 2.

Việc giá năng lượng có tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021 góp phần hạ nhiệt lạm phát tại châu Âu (Nguồn: Reuters)

Cũng theo báo cáo, ngoại trừ Slovenia và Malta, 18/20 quốc gia thành viên Eurozone đã ghi nhận mức tăng lạm phát trong tháng 3 thấp hơn so với tháng trước đó. Hiện chỉ còn 6 nước vẫn có tỷ lệ lạm phát ở mức hai con số, bao gồm Latvia (17,3%), Estonia (15,6%), Slovakia (14,8%), Croatia (10,5%) và Slovenia (10,4%).

Luxembourg hiện đang là nước có tỷ lệ lạm phát thấp nhất Eurozone, chỉ ở mức 3%, tiếp đó là Tây Ban Nha – nơi tỷ lệ lạm phát chỉ còn tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng một nửa so với mức tăng 6% trong tháng 2.

Các nền kinh tế lớn trong khu vực cũng ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. Tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tỷ lệ lạm phát trong tháng 3 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức 9,3% trong tháng 2. Tại Pháp và Italy, tỷ lệ lạm phát cũng lần lượt hạ nhiệt xuống còn 6,6% và 8,2%.

Lạm phát Eurozone hạ nhiệt và câu chuyện lãi suất ở châu Âu - Ảnh 3.

Rau quả tại một cửa hàng ở Seville, Tây Ban Nha - nơi lạm phát đã giảm tốc gần một nửa trong tháng 3 (Nguồn: Reuters)

Thị trường chứng khoán châu Âu đã đón nhận những kết quả này với phản ứng khá tích cực. Hầu hết các chỉ số chủ chốt của khu vực đều tăng điểm, với động lực chính đến từ nhóm cổ phiếu bán lẻ (tăng 1,7%), đồ gia dụng và dịch vụ tài chính (đều tăng 1,2%). Chỉ số STOXX 600 của châu Âu ghi nhận mức tăng 0,6% trong phiên này, và khép lại quý đầu năm với mức tăng 7,05%. Đồng euro giảm nhẹ 0,2% so với đồng dollar Mỹ, giao dịch ở mức 1 euro đổi 1,088 dollar.    

Những lo ngại về giá lương thực và dịch vụ

"Lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể tại Eurozone. Đó là tin tức tốt!" Ông Paolo Gentiloni - Ủy viên Châu Âu phụ trách kinh tế cho biết, sau khi các số liệu sơ bộ được Eurostat công bố. "Tuy nhiên, việc lạm phát cốt lõi vẫn ở mức cao với động lực chính đến từ giá lương thực thực phẩm và dịch vụ là vấn đề đáng lưu tâm."

Thực vậy, các số liệu thống kê cho thấy, giá lương thực thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá trong tháng 3 đã ghi nhận mức tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó thiết lập kỷ lục mới, sau khi đã tăng 15% trong tháng 2. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng châu Âu vẫn phải trả nhiều tiền hơn cho các nhu yếu phẩm này.  

Lạm phát Eurozone hạ nhiệt và câu chuyện lãi suất ở châu Âu - Ảnh 4.

Giá lương thực thực phẩm và dịch vụ đang là động lực chính cho lạm phát tại Eurozone (Nguồn: Eurostat)

Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát cốt lõi (đã loại bỏ các mặt hàng có giá biến động cao như lương thực thực phẩm và năng lượng) trong tháng 3 lại ghi nhận mức tăng kỷ lục 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 5,6% trong tháng 2. Kết quả này, được cho là phản ánh sự gia tăng tiền lương và chi phí dịch vụ, và là những dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát cơ bản vẫn đang tồn tại dai dẳng trong nền kinh tế. Các số liệu cho thấy, lạm phát giá dịch vụ tại Eurozone đã tăng từ 4,8% trong tháng 2 lên 5% trong tháng 3.

Trong một lưu ý mới nhất, chuyên gia phân tích cấp cao Bert Colijn tại tổ chức tài chính ING nhận định, "các số liệu mới cho thấy áp lực về giá tại Eurozone vẫn ở mức cao trong thời điểm hiện tại, mặc dù điều này sẽ có thể được cải thiện trong những tháng sắp tới."

Tuy vậy, nhiều ý kiến khác tỏ ra thận trọng hơn, căn cứ vào việc chi phí lao động tại Eurozone đang tiếp tục tăng cao, sau khi đã vượt qua Mỹ trong quý IV năm ngoái với mức tăng 5,7%, còn tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn đang ở mức thấp kỷ lục 6,6%. Christoph Weil – chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Commerzbank lo ngại, "với việc tiền lương tăng mạnh, một làn sóng lạm phát mới đang cận kề. Điều này sẽ đẩy giá dịch vụ lên cao hơn nữa."

Lạm phát Eurozone hạ nhiệt và câu chuyện lãi suất ở châu Âu - Ảnh 5.

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục 6,6% trong tháng 2/2023 được dự báo có thể khiến lạm phát tiền lương tại Eurozone gia tăng mạnh (Nguồn: Reuters)

Ông Diego Iscaro, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Âu tại S&P Global Market Intelligence, cũng cho biết: "Chúng tôi ước tính rằng lạm phát tại Eurozone hiện đã gần đạt đỉnh và áp lực từ giá lương thực cũng có thể giảm bớt trong quý II. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng lạm phát cốt lõi sẽ vẫn tương đối ổn định do sự kết hợp giữa tăng trưởng tiền lương danh nghĩa và tỷ suất lợi nhuận của các công ty."

ECB sẽ tiếp tục ưu tiên việc chống lạm phát

Việc lạm phát hạ nhiệt phần nào, đã làm dấy lên những lời kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xem xét chấm dứt các đợt tăng lãi suất, để tránh đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Dirk Schumacher, một nhà kinh tế tại Natixis, cho biết: "Việc lạm phát hạ nhiệt là dấu hiệu cho thấy, ECB không cần phải làm gì nhiều hơn nữa".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của ING, trong bối cảnh giá năng lượng đã giảm, mối lo ngại chính của giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giờ đây sẽ tập trung vào việc kiềm chế các thành phần khác của lạm phát. Và việc lạm phát cốt lõi tăng nhanh hơn, nhiều khả năng sẽ buộc ECB phải tiếp tục duy trì việc tăng lãi suất trong thời gian tới.

Lạm phát Eurozone hạ nhiệt và câu chuyện lãi suất ở châu Âu - Ảnh 6.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định, tỷ lệ lạm phát tại ECB hiện vẫn ở mức quá cao (Nguồn: Reuters)

Trong một phát biểu đưa ra hôm thứ Sáu tại Florence, Italy, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng xác nhận quan điểm này khi cho biết, "lạm phát cốt lõi hiện vẫn ở mức quá cao, và ECB hiện vẫn có nhiều điều kiện để triển khai các công cụ nhằm đưa lạm phát trở về mức mục tiêu 2%." Vị lãnh đạo ECB cho biết, ngân hàng trung ương này sẽ dựa vào các dữ liệu thu thập được để đưa ra những quyết định về lãi suất trong tương lai, và "sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết" để kiềm chế sự leo thang đột biến giá cả.

Bà Lagarde cũng lưu ý rằng, những bất ổn tài chính và căng thẳng địa chính trị trong thời gian gần đây đã tạo ra sự không chắc chắn cho nền kinh tế. Trên thực tế, nhiệm vụ chống lạm phát của ECB hiện đang trở nên phức tạp hơn sau hàng loạt biến động trong ngành ngân hàng tại Mỹ và châu Âu. Hồi đầu tháng Ba,sau khi tiến hành tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %, giới chức ECB cũng bày tỏ quan điểm thận trọng khi cho biết, sẽ quan sát tình hình trước khi đưa ra cam kết về bất kỳ đợt tăng lãi suất nào khác.

Dẫu vậy, giới phân tích tin rằng, bất chấp những bất ổn trên thị trường tài chính, kiểm soát lạm phát vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của giới chức ECB. Một số nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này, bao gồm cả chuyên gia kinh tế trưởng Philip Lane gần đây đã lên tiếng cho biết, cần phải tiếp tục tăng lãi suất để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%.

Trước đó, chính Chủ tịch ECB Lagarde cũng đã khẳng định trong một tuyên bố hồi đầu tháng Ba rằng, "sẽ không có sự đánh đổi giữa ổn định giá cả và ổn định tài chính. Chúng tôi không thỏa hiệp với cái này vì cái kia, và có đủ các công cụ để xử lý từng vấn đề."

Lạm phát Eurozone hạ nhiệt và câu chuyện lãi suất ở châu Âu - Ảnh 7.

ECB được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới, khi coi ổn định lạm phát là ưu tiên hàng đầu (Nguồn: Reuters)

Trên cơ sở này, chuyên gia Ulrich Kater tại ngân hàng Deka của Đức nhận định, "vấn đề lạm phát sẽ không được giải quyết triệt để trong vòng hai đến ba năm tới, và đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, bất chấp những căng thẳng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng."

Trong khi đó, chuyên gia Bert Colijn lại cho rằng, các đợt tăng lãi suất của ECB dù vẫn được tiến hành, có thể sẽ sớm đạt đỉnh, để đảm bảo không gây ra tác động tiêu cực quá lớn. "Chúng tôi dự đoán về một đợt tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % vào tháng Năm tới, và một đợt khác ở quy mô tương tự trong tháng Sáu. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ đạt đỉnh sau thời điểm đó, trong bối cảnh lạm phát đang dần trở nên ôn hòa hơn, và những biến động trong ngành ngân hàng gần đây cho thấy, việc tăng lãi suất quá mạnh hoàn toàn có thể gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế."

Nguồn: DW, Euronews, Financial Times, The Guardian, AP, Reuters

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.12233319010403202-ua-uahc-o-taus-ial-neyuhc-uac-av-teihn-ah-enozorue-tahp-mal/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lạm phát Eurozone hạ nhiệt và câu chuyện lãi suất ở châu Âu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools