Văn phòng công tố quận Manhattan (New York) đã bỏ phiếu đồng ý truy tố ông Donald Trump, khiến ông trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên đứng trước khả năng bị truy tố hình sự.
Vụ việc cũng được xem là đòn giáng mạnh vào nỗ lực trở lại Nhà Trắng của ông Trump vào năm 2024. Tuy nhiên, đây không phải là rắc rối pháp lý duy nhất mà cựu Tổng thống Mỹ đang đối mặt.
Vụ án hình sự ở Manhattan
(Từ trái sang) Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nữ diễn viên Stormy Daniels và Trưởng Văn phòng công tố quận Manhattan - ông Alvin Bragg. Ảnh: AP |
Ngày 30-3, Văn phòng công tố Manhattan thông báo truy tố ông Trump. Dù bản cáo trạng vẫn chưa được công khai nhưng nhiều người đồn đoán nó liên quan cáo buộc cựu tổng thống dùng tiền bịt miệng một nữ diễn phim “người lớn” để che giấu quan hệ tình ái giữa hai người.
Theo truyền thông Mỹ, vụ việc bắt đầu trong giai đoạn tranh cử tổng thống năm 2016, khi ông Trump cùng luật sư riêng Michael Cohen đã đưa cho diễn viên Stormy Daniels 130.000 USD để yêu cầu bà giữ im lặng về mối quan hệ với ông Trump.
Luật sư Cohen là người trực tiếp đưa tiền cho bà Daniels. Trước đó, ông này từng khai với bồi thẩm đoàn rằng ông chuyển tiền theo lệnh của ông Trump.
Về phía ông Trump, ông phủ nhận chuyện ngoại tình với bà Daniels nhưng cho biết khoản tiền ông đưa cho nữ diễn viên là “để ngăn chặn những cáo buộc sai trái và hành vi tống tiền của bà”.
Cựu tổng thống khẳng định rằng khoản tiền không liên quan chiến dịch tranh cử năm 2016.
Truy vấn tài liệu mật
Quan chức FBI khám xét dinh thực thự Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida tháng 8-2022. Ảnh: BUSINESS INSIDER |
Tháng 8-2022, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đột kích dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida và thu hồi một số tài liệu mật.
Trong cáo trạng, các công tố viên lập luận rằng ông Trump và nhóm pháp lý của ông đã cố gắng che giấu tài liệu với các nhà điều tra.
Tháng 11-2022, Bộ Tư pháp Mỹ đã bổ nhiệm ông Jack Smith làm công tố viên đặc biệt giám sát các cuộc điều tra về tài liệu mật của ông Trump.
Cuộc điều tra đến nay vẫn đang tiếp diễn. Đầu tháng 3, nhóm của ông Smith đã triệu tập hàng chục nhân viên của dinh thự Mar-a-Lago để làm chứng trước đại bồi thẩm đoàn về cách ông Trump xử lý các tài liệu mật sau khi ông rời nhiệm sở.
Hôm 22-3, tòa án liên bang quận Columbia đã yêu cầu luật sư cũ của ông Trump là ông M.Evan Corcoran ra làm chứng về vụ việc, bất chấp ông này nhiều lần viện dẫn “đặc quyền hành pháp” cho phép luật sư giữ bí mật các vấn đề của thân chủ.
Bạo loạn Điện Capitol
Bạo loạn tại Điện Capitol, thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 6-1-2021. Ảnh: BUSINESS INSIDER |
Ngày 6-1-2021, sau khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, những người ủng hộ ông đã nỗ lực lật ngược kết quả bằng cách tấn công Điện Capitol (Mỹ), theo CNN.
Tháng 12-2022, một ủy ban của Hạ viện đã điều tra mối quan hệ của cựu tổng thống với vụ bạo loạn và đưa ra 4 cáo buộc chống lại ông, gồm: xúi giục nổi dậy; âm mưu lừa đảo chính phủ Mỹ; âm mưu đưa ra tuyên bố sai sự thật và cản trở thủ tục tố tụng chính thức.
Vì quốc hội Mỹ không thể đưa ra phán quyết nên đã chuyển vụ án cho Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng giao cho thẩm phán Smith điều tra vụ việc này.
Nhóm của ông Smith đã triệu tập cựu phó tổng thống Mike Pence, cô Ivanka Trump (con cái ông Trump) và ông Jared Kushner (con rể ông) để lấy lời khai.
Cuộc điều tra đang tiếp tục và Bộ Tư pháp phần lớn vẫn giữ im lặng về tiến trình điều tra.
Nỗ lực can thiệp cuộc bầu cử tổng thống 2020
Chánh thư ký bang Georgia - ông Brad Raffensperger. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
Ông Trump cũng đang đối mặt một cuộc điều tra cấp tiểu bang liên quan cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Công tố viên quận Fulton (bang Georgia) đã mở cuộc điều tra nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 tại bang này của ông Trump.
Cuộc điều tra khởi động năm 2021 sau khi có đoạn ghi âm cuộc gọi giữa ông Trump và Chánh thư ký bang Georgia - ông Brad Raffensperger hồi tháng 2-2021, trong đó ông Trump đã gây áp lực buộc ông Raffensperger “tìm” thêm phiếu bầu cho mình.
Bà Fani Willis - công tố viên trưởng quận Fulton và là một đảng viên Dân chủ đang giám sát cuộc điều tra.
Hôm 20-3, nhóm pháp lý của ông Trump đã đệ đơn yêu cầu loại nhóm của bà Willis khỏi vụ án, xem vụ kiện là một nỗ lực mang tính “đảng phái”.
Điều tra dân sự ở bang New York
Tổng chưởng lý New York - bà Letitia James. Ảnh: TIME |
Tháng 9-2022, sau một cuộc điều tra kéo dài 3 năm, Tổng chưởng lý New York - bà Letitia James đã kiện ông Trump và công ty Trump Organization của gia đình ông đã khai khống giá trị các tài sản bất động sản để nhận các khoản vay ưu đãi và lợi ích về thuế.
Bà yêu cầu công ty trả lại số tiền 250 triệu USD trái phép mà công ty này có được. Bà cũng tìm cách cấm Trump và các con của ông không được điều hành bất cứ công ty nào ở New York.
Thẩm phán Tòa tối cao New York - ông Arthur Engoron ấn định phiên tòa của ông Trump và các con ông về vụ kiện này là vào ngày 2-10 tới.
Các chính trị gia Mỹ phản ứng thế nào trước việc ông Trump bị truy tố.
Đảng Cộng hòa
Ông Ron DeSantis - Thống đốc bang Florida và là đối thủ tiềm năng của ông Trump trong cuộc đua đại diện đảng Cộng hòa ở cuộc bầu cử 2024 gọi quyết định này là “phi Mỹ”.
“Việc vũ khí hóa hệ thống pháp luật để thúc đẩy một chương trình nghị sự chính trị đã đảo ngược nguyên tắc pháp quyền. Điều đó là phi Mỹ” - ông viết trên Twitter hôm 30-3.
Ông cho biết bang Florida sẽ không hỗ trợ yêu cầu dẫn độ ông Trump.
Thống đốc bang Virginia - ông Glenn Youngkin ngày 31-3 chỉ trích công tố viên Alvin Bragg về bản cáo trạng.
Ông viết trên Twitter: “Không thể tin được rằng ông Bragg đã truy tố một cựu tổng thống và cũng là ứng cử viên tổng thống vì lợi ích chính trị thuần túy”.
Thượng nghị sĩ bang Alaska - bà Lisa Murkowski nói rằng bản cáo trạng là “vội vàng phán xét” trước khi nghe bằng chứng.
Bà nói với CNN: “Tôi đang theo dõi tình hình pháp lý của ông Trump. Không ai đứng trên luật pháp ở đất nước này, nhưng mọi người đều xứng đáng được hưởng một quy trình pháp lý công bằng”.
“Bản cáo trạng với một cựu tổng thống là chưa từng có tiền lệ và phải được xử lý chính trực và kỹ lưỡng nhất” - bà lưu ý thêm.
Thượng nghị sĩ John Cornyn, một thành viên của ban lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ nói với CNN rằng bản cáo trạng “là cơ hội để văn phòng công tố quận Manhattan thu hút sự chú ý của công chúng”.
Đảng Dân chủ
Tổng thống Joe Biden từ chối bình luận về cáo trạng của ông Trump.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói: “Ông Trump phải tuân theo luật giống như mọi người Mỹ. Ông ấy tận dụng hệ thống luật pháp và bồi thẩm đoàn để định đoạt số phận của mình chứ không phải dùng chính trị”.
Bà Nancy Pelosi, cựu Chủ tịch Hạ viện cho rằng: “Đại bồi thẩm đoàn đã hành động dựa trên sự thật và luật pháp. Không ai đứng trên luật pháp và mọi người đều có quyền chứng minh mình vô tội. Hy vọng cựu tổng thống sẽ tôn trọng điều này”.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff chia sẻ trên Twitter: “Việc buộc tội một cựu tổng thống là chưa từng có. Nhưng hành vi trái pháp luật mà ông Trump đã làm cũng vậy”.
“Một đất nước thượng tôn pháp luật phải buộc những người giàu có và quyền lực phải chịu trách nhiệm, ngay cả khi họ giữ chức vụ cao. Nếu không thì không phải là dân chủ” - ông viết thêm.