Công an TP.HCM phối hợp lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an đã triệt phá cả 3 vụ việc này, bắt những người liên quan.
Gần đây, tại TP.HCM nổi lên thủ đoạn lừa đảo như sau: Các đối tượng mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện điện thoại trực tiếp đến phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu để thực hiện hành vi lừa đảo.
Về việc để lộ, lọt thông tin của học sinh cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, Công an TP.HCM cho biết thông tin có thể lộ, lọt bằng nhiều cách như do lỗ hổng bảo mật các phần mềm sử dụng trên môi trường mạng, liên quan đến cơ quan, doanh nghiệp thu thập thông tin làm lộ, lọt hoặc bán lại cho các cá nhân.
"Khi phụ huynh, học sinh đến cửa hàng làm thẻ khách hàng thân thiết hay đến các trung tâm học ngoại ngữ… đều phải cung cấp thông tin nên có nguy cơ bị lộ, lọt", thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, lấy ví dụ.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khoảng 80% nguyên nhân lộ, lọt thông tin cá nhân là xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng. Hầu hết các thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, trường học, nơi làm việc, nơi ở... được kê khai trên tài khoản mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram và đều do chính người sử dụng tự đưa lên, để ở chế độ mở. Hay khi đặt vé xe, máy bay, mua hàng online…, người dân thường được yêu cầu cung cấp thêm số điện thoại, email, CCCD…và đều vô tư đăng ký.
Thượng tá Lê Mạnh Hà từng khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào yêu cầu mà không quen biết qua điện thoại. Đồng thời, Công an TP.HCM cũng cảnh báo người dân về hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn số tài khoản ngân hàng tạo điều kiện để đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền hoặc dùng thông tin cá nhân để đăng ký mở tài khoản ngân hàng rồi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, giải pháp căn cơ, bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng thì cần phải truy cứu trách nhiệm, áp dụng các biện pháp xử lý mạnh mẽ đối với các đơn vị, doanh nghiệp để rò rỉ dữ liệu liên quan. Cụ thể, khi phát hiện bên cung cấp dịch vụ có hành vi mua bán thông tin cá nhân cho bên thứ 3 thì hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo điều 288 bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù, phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng; trường hợp có tình tiết tăng nặng thì phạt tối đa 1 tỉ đồng; hoặc tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác tại điều 159 bộ luật Hình sự.