Theo những người ủng hộ công nghệ, tất cả chúng ta sẽ sống trong “siêu vũ trụ”, xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính của mình trên “web3” và cung cấp năng lượng cho cuộc sống của chúng ta bằng “trí tuệ nhân tạo” (AI).
Tuy nhiên, theo báo Japan Times, cả ba nội dung này đều là ảo ảnh dù ảo ảnh này đã thu về cho ngành công nghệ hàng tỉ USD.
Không máy móc nào có thể suy nghĩ
Trí tuệ nhân tạo gợi lên khái niệm về những cỗ máy biết suy nghĩ. Nhưng không máy móc nào có thể suy nghĩ và không có phần mềm nào thực sự thông minh. Riêng cụm từ này có thể là một trong những thuật ngữ tiếp thị thành công nhất mọi thời đại.
Mới đây, OpenAI đã công bố GPT-4, một bản nâng cấp lớn cho công nghệ nền tảng của ChatGPT. Nhưng GPT-4 và các mô hình ngôn ngữ lớn khác chỉ đơn giản là phản chiếu cơ sở dữ liệu văn bản - gần 1.000 tỉ từ.
Al được hỗ trợ bởi một đội quân lập trình nó bằng các chỉnh sửa, các mô hình ghép các từ lại với nhau dựa trên xác suất. Đó không phải là trí thông minh.
Các hệ thống này được đào tạo để tạo ra văn bản nghe có vẻ hợp lý - nhưng chúng lại được bán trên thị trường như những kiến thức tiên tri mới, được gài vào các công cụ tìm kiếm.
Trong khi đó, GPT-4 tiếp tục mắc lỗi và chỉ vài tuần trước, cả Microsoft và Google của Alphabet đều phải chịu những màn trình diễn đáng xấu hổ, khi công cụ tìm kiếm mới của họ mắc lỗi.
"Mạng lưới thần kinh" không phải bản sao bộ não con người
Các thuật ngữ như “mạng lưới thần kinh” và “học sâu” (deep learning) chỉ củng cố ý tưởng rằng các chương trình này giống con người.
Thực tế, mạng lưới thần kinh không phải là bản sao của bộ não con người theo bất kỳ cách nào.
Những nỗ lực lâu dài nhằm cố gắng tái tạo bộ não con người với khoảng 85 tỉ tế bào thần kinh đều thất bại. Các nhà khoa học gần nhất đã mô phỏng bộ não của một con sâu, với 302 tế bào thần kinh.
Theo Japan Times, chúng ta cần một từ vựng khác không truyền bá tư duy ma thuật về các hệ thống máy tính và không loại bỏ trách nhiệm của những người thiết kế các hệ thống đó.
Ai chịu trách nhiệm khi sai sót: Máy hay người?
Câu trả lời là việc gán trí thông minh cho máy móc mang lại cho chúng sự độc lập với con người. Đồng thời, nó khiến những người tạo ra công nghệ không phải chịu trách nhiệm về tác động của chúng.
Nếu coi ChatGPT là “ứng dụng thông minh”, thì sẽ ít có xu hướng thử và buộc OpenAI - công ty khởi nghiệp ở San Francisco (Mỹ) và tạo ra ChatGPT - chịu trách nhiệm về những điểm không chính xác và thiên vị của Al.
Mặt khác, AI sẽ không đảm nhận công việc hoặc ăn cắp ý tưởng sáng tạo nghệ thuật của ai đó, nhưng những người sử dụng Al sẽ làm.
Vấn đề ngày càng trở nên cấp bách hơn khi các công ty từ Meta, Snap đến Morgan Stanley đang gấp rút đưa chatbot và trình tạo văn bản cùng hình ảnh vào hệ thống của họ.
Trong quá trình "chạy đua vũ trang mới" với Google, hãng Microsoft đang đưa công nghệ mô hình ngôn ngữ của OpenAI - phần lớn vẫn chưa được thử nghiệm - vào các ứng dụng kinh doanh phổ biến nhất của mình, bao gồm Word, Outlook và Excel.
Nhưng đối với khách hàng, lời hứa để họ được làm việc với máy móc thông minh gần như là sai lầm.
“AI là một trong những nhãn hiệu thể hiện một loại hy vọng không tưởng hơn là thực tế hiện tại" - ông Steven Poole, tác giả của cuốn sách Unspeak, nói về sức mạnh nguy hiểm của từ ngữ và nhãn mác.
Tác giả Poole cho biết ông thích gọi các chatbot như ChatGPT và các công cụ tạo hình ảnh như Midjourney là “những cỗ máy đạo văn khổng lồ”. Vì chúng chủ yếu kết hợp văn xuôi và tranh ảnh ban đầu do con người tạo ra.
Cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả khó lường và đe dọa vận mệnh của nhân loại, là lý do các giám đốc điều hành, chuyên gia AI hàng đầu kêu gọi "đạp thắng" trong việc phát triển công nghệ này.
Xem thêm: mth.33891100120403202-oat-nahn-eut-irt-al-iog-uht-oc-gnohk-tahn-oab/nv.ertiout