Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 30 lần trong quý I/2023
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, tháng 3 ước tính Việt Nam đón hơn 895.000 lượt khách quốc tế. Tính chung quý I/2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 2,69 triệu lượt.
Như vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022. Trong tổng số này, khách đến bằng đường hàng không chiếm 89,8%; đường bộ chiếm 9% và đường biển chiếm 1,2%. Tuy nhiên, con số này mới chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Trong 3 tháng đầu năm nay, khách châu Á đến Việt Nam dẫn đầu lượng khách quý I. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất, ước đạt hơn 810.000 lượt, tăng 55% so với cùng kỳ 2022 và bằng 81% trước dịch. Thứ hai là Trung Quốc (gồm Đại lục, Đài Loan và Hồng Kông) với hơn 270.000 lượt. Đứng thứ ba trong top thị trường khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất trong quý này là Mỹ, với hơn 200.000 lượt, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I ước đạt 161.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của một số địa phương tăng so với cùng kỳ năm trước như: Đà Nẵng tăng 73,5%, Quảng Ninh tăng 43,1%, Cần Thơ tăng 42,4%, Tp.HCM tăng 37,2%, Hà Nội tăng 12,5%... Doanh thu du lịch lữ hành quý I ước đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, lượng du khách quốc tế có dấu hiệu khả quan hơn vào những tháng tới nhờ thị trường khách Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại. Ngay sau khi Việt Nam được chính thức đưa vào danh sách các nước được đón khách đoàn từ Trung Quốc, nhiều hoạt động xúc tiến du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được tổ chức với quy mô lớn. Với du lịch nội địa, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài cùng với dịp nghỉ hè sắp tới hứa hẹn “vụ mùa” bùng nổ của ngành du lịch.
Phát triển du lịch Việt Nam theo tính bền vững
Trong những năm gần đây, du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu cho ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với các ngành kinh tế có liên quan.
Ở nước ta, ngành Du lịch luôn được quan tâm, không ngừng phát triển và có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế. Thống kê, trước dịch Covid-19 (năm 2019), tỉ lệ đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ngành Du lịch lên đến 9,2%. Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong 3 nước có mức tăng trưởng cao nhất.
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động du lịch ở nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, tính cạnh tranh chưa cao. Điều này thể hiện rất rõ, dù là nước mở cửa du lịch từ sớm nhưng tỉ lệ khách quốc tế năm 2022 so với năm 2019 của nước ta thấp hơn các nước trong khu vực. Chỉ số phục hồi du lịch sau dịch Covid-19 mới đạt 18,1%, thấp nhất trong khu vực.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh, phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Đại hội XIII của Đảng xác định, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP...
Để đạt được những mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, để phục hồi nhanh, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải phát huy tối đa những cái đã làm được, những kinh nghiệm hay bài học quý, những đặc thù rất khác của chúng ta để đi lên. Phát triển du lịch phải được coi là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước…
Trên cơ sở phân tích xu hướng toàn cầu, sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch và tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức của du lịch Việt Nam, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 nhằm "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" tổ chức ngày 15/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Coi người dân, doanh nghiệp là chủ thể; khách du lịch là trung tâm; sản phẩm, hạ tầng du lịch là nền tảng; dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch”.
Vừa qua, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã ra mắt video clip đầu tiên của năm 2023 trong chương trình truyền thông “Việt Nam: Đi để yêu!” với chủ đề “Du lịch Golf - Tận hưởng từng khoảnh khắc”, đưa du khách đến với những trải nghiệm về loại hình du lịch thể thao golf gắn với dịch vụ, tiện ích giải trí. Với hàng loạt các sân golf đẳng cấp, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam tự tin mang đến cho du khách những sân golf độc đáo, nhiều thách thức, mang dấu ấn rất riêng.
Việt Nam đã 6 lần liên tiếp được Tổ chức Giải thưởng Golf thế giới (World Golf Awards) vinh danh là “Điểm đến du lịch Golf tốt nhất châu Á”. Video clip “Du lịch Golf - Tận hưởng từng khoảnh khắc” đã đem lại cho du khách những hình ảnh mãn nhãn với trải nghiệm trọn vẹn trong từng khoảnh khắc của loại hình du lịch golf có xu hướng thịnh hành, đây cũng là một loại hình có tiềm năng nổi trội của du lịch Việt Nam.
Trước đó chương trình truyền thông du lịch “Việt Nam: Đi để yêu!” được Trung tâm Thông tin du lịch triển khai từ đầu năm 2021. Ngày 5/11/2022 vừa qua, chương trình đã được trao giải Nhì - Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII.
Trúc Chi (theo TTXVN, Hà Nội Mới, Chính phủ)