Kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia đã làm nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn của Việt Nam suy giảm thời gian qua. Vì vậy, tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong quý I chỉ đạt hơn 154 tỷ USD, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm gần 12%.
Những mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao của Việt Nam như điện thoại, máy móc, dệt may... đều sụt giảm tương đối lớn. Đây đều là hàng tiêu dùng, khi kinh tế khó khăn, mọi người sẽ hạn chế mua sắm. Ngược lại, hàng thiết yếu như gạo vẫn đang xuất khẩu tốt. Một số loại gạo Việt đang có giá xuất khẩu cao nhất thế giới.
Tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong quý I chỉ đạt hơn 154 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Dự báo trước được những khó khăn ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01, Chỉ thị 03; trong đó có các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu - động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 tăng trưởng tốt so với tháng 2. Cả 3 tháng xuất siêu hơn 4 tỷ USD.
Xuất khẩu là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí. Quý I, khi các thị trường xuất khẩu truyền thống gặp khó, doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược, duy trì tốt ở thị trường ASEAN và phát triển thêm thị trường mới có nhu cầu nhập khẩu cao như Sri Lanka, Angola.
Ông Nguyễn Phạm Trung - Phó Giám đốc Kinh doanh, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cho biết: "Chúng tôi đánh giá thị trường xuất khẩu đầu năm 2023 tuy có khó khăn nhưng vẫn không phải không có cơ hội và từ đó chúng tôi tranh thủ, tận dụng mọi cơ hội dù nhỏ nhất, dựa vào khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng".
Khi các thị trường Mỹ, châu Âu gặp khó, trọng tâm xúc tiến thương mại đã được linh hoạt chuyển sang các thị trường gần có sự phục hồi tốt như ASEAN, Trung Quốc, hay các thị trường mới, còn nhiều dư địa, như châu Phi, Nam Mỹ. Đây cũng là chiến lược xúc tiến của Bộ Công Thương thời gian qua. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN cũng đã có sự tăng trưởng.
Nhiều hoạt động xúc tiến đã được triển khai ngay từ đầu năm, thay vì đợi tới mùa xúc tiến vào nửa cuối năm như thường lệ.
Trong quý I, Việt Nam đã đón gần 50 đoàn giao thương quốc tế đến Việt Nam khảo sát, tìm kiếm các cơ hội hợp tác mua hàng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ trước dịch. Năm nay, các đoàn đến từ châu Âu vẫn là đông nhất, đặc biệt là có sự trở lại của các đoàn đến từ Trung Quốc.
"Những đoàn giao thương này của nước ngoài vào Việt Nam đã góp phần gỡ khó cho xuất khẩu của Việt Nam một cách chủ động. Việc đón những đoàn này hoàn toàn là do sự chủ động của hệ thống thương vụ của Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và kết nối", ông Vũ Bá Phúc - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay.
Năm nay, công tác xúc tiến hỗ trợ xuất khẩu cũng đã được các tỉnh thành trên cả nước chú trọng ngay từ đầu năm, phối hợp lồng ghép với các chương trình của Bộ Công Thương để tạo quy mô và hiệu ứng tốt hơn. Cải cách thủ tục hành chính trong thông quan cũng đang được đẩy mạnh để tiết giảm chi phí cho các nghiệp xuất nhập khẩu.
Cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường
Dự báo, từ nay tới hết năm, thị trường thế giới sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy giảm kinh tế. Điển hình như dự báo của Hiệp hội Thuỷ sản, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này sang châu Âu và Mỹ có thể tiếp tục giảm từ 30 tới hơn 50%.
Trong khi đó, thị trường ASEAN sẽ duy trì ổn định, còn thị trường Trung Đông có thể tăng trưởng tốt 8%. Ngành gỗ cũng đang có những dự báo bi quan về thị trường Âu - Mỹ nhưng lạc quan hơn về thị trường ASEAN và Trung Quốc.
Năm nay, xuất khẩu tiếp tục được xác định là một động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ảnh minh họa.
Năm nay, xuất khẩu tiếp tục được xác định là một động lực tăng trưởng của nền kinh tế, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 393 - 394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD so với năm ngoái. Như vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi nỗ lực, cố gắng rất lớn, để có thể bù đắp được các khó khăn trong quý I.
"Tại thời điểm này cũng có thể thấy mục tiêu chúng ta đặt ra hết sức thách thức. Chúng ta chưa rõ khi nào suy thoái có thể chấm dứt hoặc giảm bớt. Về dài hạn, việc mở cửa thị trường thông qua việc đàm phán với các nước đặc biệt là về những điều kiện kĩ thuật đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông sản thì các cơ quan như Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT vẫn đang hết sức tích cực để đàm phán với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thông tin.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Việt Nam cũng có lợi thế là chúng ta đã kí và đang thực hiện tới 15 Hiệp định FTAs, nên làm sao để tận dụng được tất cả các thị trường mà có thể khai thác. Cũng lưu ý là trong năm 2022, có đến 39 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Như vậy, chúng ta có rất nhiều mặt hàng, thậm chí còn có nhiều mặt hàng hơn nữa. Khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp, ngành hàng khai thác những sản phẩm mặt hàng có thể đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu".
VTV.vn - Điều hành linh hoạt, giải pháp kịp thời tiếp tục là phương châm ngành nông nghiệp thực hiện trong thời gian tới để phục hồi đà tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.63493939120403202-uahk-taux-yad-cuht-ohk-touv-taoh-hnil/et-hnik/nv.vtv