Theo đó, chính sách giãn, hoãn nợ sẽ như cơ chế thông tư 01 năm 2020 để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đây là tin vui cho những người vay đang gặp khó khăn về dòng tiền vì sẽ giúp họ không bị chuyển nhóm nợ, có cơ hội "làm lại" khi tình hình kinh tế tốt hơn.
Nếu không, không chỉ doanh nghiệp mà cả các ngân hàng cũng gặp khó vì một khi họ đã vướng nợ xấu ở một ngân hàng thì không chỉ một khoản nợ bị nhảy nhóm mà tất cả dư nợ ở các ngân hàng khác của họ cũng bị chuyển nhóm nợ theo và các ngân hàng cho doanh nghiệp có nợ xấu vay phải trích lập dự phòng theo quy định.
Và một khi đã vướng nợ xấu thì họ cũng không còn cơ hội vay vốn để quay trở lại kinh doanh khi tình hình tốt lên.
Với việc hoãn, giãn nợ này, các ngân hàng cũng có thể tiếp tục cho doanh nghiệp vay, qua đó giúp đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng vốn chỉ tăng hơn 2% trong ba tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, đối tượng nào và ngành nghề nào được hỗ trợ và thời gian giãn, hoãn nợ cần phải được tính toán kỹ nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn và hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh.
Dịch COVID-19 đã qua nhưng hệ quả của nó để lại vẫn còn nặng nề, xuất khẩu khó khăn do sức mua giảm sút, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, kéo theo nông dân cũng gặp khó do nông sản làm ra không xuất được.
Lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhất là ở những địa phương như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… sau hai năm lay lắt bởi dịch COVID-19 vẫn chưa thể phục hồi như trước do lượng khách quốc tế sụt giảm. Doanh nghiệp sản xuất thì tồn kho lớn ở cả đầu vào lẫn đầu ra, các khoản phải thu lớn dẫn đến gãy dòng tiền.
Đó là những đối tượng thật sự khó khăn và cần được hưởng chính sách giãn, hoãn nợ để có cơ hội trụ lại và phục hồi, qua đó giúp cho hàng chục ngàn lao động duy trì được công ăn việc làm, không bị rơi vào cảnh thất nghiệp.
Tất nhiên, giãn, hoãn nợ không phải là cây đũa thần, mà bản chất đó là biện pháp kéo dài. Giống như một liều "hạ sốt" trong lúc chờ tìm ra nguyên nhân bệnh và phác đồ điều trị và do vậy, theo các chuyên gia, cần phải có quy định cụ thể và rõ ràng để tránh tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng".
Nói cách khác, phải đảm bảo độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn nợ.
Song song đó, cần phải có nhiều giải pháp đi kèm để đảm bảo doanh nghiệp, người vay có thể phục hồi và trả được nợ ở thì tương lai, khi áp lực nợ mới và cũ cùng đến.
Lãi suất cho vay cũng cần giảm về mức hợp lý, nằm trong mức chịu đựng của doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì với mức lãi vay trên 10%/năm, các doanh nghiệp, đặc biệt ở ngành sản xuất, không thể gồng nổi, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Các điều kiện về tài sản đảm bảo, điều kiện cho vay cũng cần linh hoạt hơn.
Còn nếu vẫn giữ điều kiện như trong bối cảnh bình thường, chắc chắn doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn.
Các doanh nghiệp sản xuất cho biết khá lo lắng về đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bởi giá điện tăng sẽ kéo theo nhiều chi phí đầu vào tăng lên trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm.
Xem thêm: mth.85284538030403202-peihgn-hnaod-ohc-ial-mal-ioh-oc/nv.ertiout