Theo Hãng tin AP, phát biểu trên truyền hình quốc gia Belarus ngày 2-4, Đại sứ Nga Gryzlov cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được đưa đến gần biên giới phía tây của Belarus với các nước NATO, nhưng không nói rõ vị trí chính xác nào.
"Động thái này sẽ mở rộng khả năng phòng thủ của chúng tôi và nó sẽ được thực hiện bất chấp mọi ồn ào ở châu Âu và Mỹ", ông Gryzlov đề cập đến những chỉ trích của phương Tây về quyết định của Nga.
Belarus có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan.
Thông tin của Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov được đưa ra sau tuyên bố gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus, nước láng giềng và là đồng minh của Nga.
Ông Putin nói việc xây dựng các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ hoàn tất trước ngày 1-7. Nhà lãnh đạo Nga nói thêm Matxcơva đã giúp hiện đại hóa các máy bay chiến đấu của Belarus để chúng có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, có thiết kế nhỏ hơn và được sử dụng ở khoảng cách ngắn, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách xa.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật bao gồm bom trọng lực, tên lửa tầm ngắn, đạn pháo, mìn, ngư lôi... được trang bị đầu đạn hạt nhân.
Theo báo Washington Post, kể từ năm 2000, học thuyết quân sự được chia sẻ công khai của Nga đã cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân "để đối phó với hành động xâm lược quy mô lớn có sử dụng các vũ khí thông thường, cụ thể trong những tình huống quan trọng với an ninh quốc gia của Liên bang Nga".
Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), Nga hiện có tổng cộng 5.977 đầu đạn hạt nhân, nhiều nhất trên thế giới, trong đó có khoảng 1.500 đầu đạn không còn biên chế sử dụng. Còn Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân, Pháp có 290 và Anh có 225.
Các chuyên gia ước tính khoảng 1.500 đầu đạn của Nga đang được "triển khai", tức là chúng đang được lắp đặt tại các căn cứ tên lửa, trên máy bay ném bom hoặc trên các tàu ngầm.
Cùng với đó là "khoảng 977 đầu đạn chiến lược và 1.912 đầu đạn phi chiến lược (tức chiến thuật)" đang được dự trữ, theo tổ chức Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử (Bulletin of the Atomic Scientists - BAS).
Ba ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói nước này sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới quốc gia đồng minh và láng giềng Belarus, chính quyền Minsk đã lên tiếng giải thích lý do.