Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết một trong những trọng tâm của dự án là xây dựng hai khu công nghiệp dược - sinh học, trong đó khu đầu tiên xây dựng tại tỉnh Thái Bình.
Khu thứ hai dự kiến tại TP.HCM, tới đây Bộ Y tế và các đối tác sẽ làm việc với TP.HCM để bàn việc hợp tác và triển khai.
Ông Tuyên cũng cho biết tại các khu công nghiệp dược - sinh học, ưu tiên các nhà máy nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh, đặc trị, vắc xin, thuốc sinh học giá trị cao...
Theo Cục Quản lý dược, ngành dược Việt Nam đã có bước tăng trưởng những năm qua, hiện có 230 nhà máy đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), trong đó có 20 nhà máy đạt EU-GMP.
Ngoài cung ứng nhu cầu điều trị trong nước, thời gian qua kim ngạch xuất khẩu thuốc - mỹ phẩm đã đạt trên 500 triệu USD. Thuốc phòng và chữa bệnh sản xuất tại Việt Nam đã có mặt ở khoảng 50 quốc gia, mỹ phẩm Việt Nam đã được bán sang Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên con số kể trên còn khiêm tốn so với mục tiêu kim ngạch 1 tỉ USD vào năm 2030. Với cung ứng thuốc cho nhu cầu trong nước, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam khoảng 6 - 7 tỉ USD và mục tiêu hàng nội đạt 45% tổng chi cho mua thuốc.
Với hai khu công nghiệp dược - sinh học, dự kiến sẽ đầu tư theo hướng có khối nhà máy sản xuất; khối dịch vụ hậu cần và logistics; trung tâm - viện nghiên cứu, mục tiêu thu hút 2 tỉ USD đầu tư từ nay đến 2030.
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có quyết định công bố gia hạn 760 thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến ngày 31-12-2024.