Ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, GDP cả nước chỉ tăng 3,32% trong quý I, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Mức này chỉ cao hơn năm 2020 - thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3 tháng đầu năm tăng 4,18% so với cùng kỳ 2022.
Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hoá, tiêu dùng nội địa tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ này dự báo tình hình quý II vẫn khó khăn. Kinh tế năm 2023 thấp hơn so với 2022 do chịu ảnh hưởng của các yếu tố phức tạp, khó lường. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, nên mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ có nhiều thách thức.
Theo cơ quan ngành kế hoạch, sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút FDI vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Cụ thể, thị trường, đơn hàng, đơn giá các thị trường xuất khẩu tiếp tục giảm. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận việc thiếu đơn hàng từ quý IV/2022, chỉ đảm bảo duy trì 35-50% năng lực sản xuất.
Các đơn hàng còn tồn trước đó cũng bị đối tác hoãn, giãn giao hàng. Thực tế này buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, cho lao động nghỉ luân phiên. Các doanh nghiệp nhận định khó khăn dự kiến kéo dài hết quý II năm nay.
Chi phí đầu vào, nguyên vật liệu vẫn ở mức cao đã gây sức ép lên tỷ giá, giá thành sản xuất khi 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập nguyên liệu sản xuất.
Doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền (vốn lưu động, đầu tư trung, dài hạn). Lãi suất tiền gửi và vay từ ngân hàng tăng khiến chi phí vốn leo thang và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Phân tích tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm, các nước thắt chặt tiền tệ, cầu giảm, thị trường thu hẹp..., nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam bị tác động không nhỏ.
Ông cũng chỉ ra khó khăn nhiều hơn cơ hội. Theo đó, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, đất đai, thị trường bị thu hẹp. Các thị trường bất động sản, vốn, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để phát triển ổn định, an toàn. "Phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời hơn để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng yêu cầu.
Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị cần sớm có chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí, giảm lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng.
Anh Minh