Doanh nhân đã về hưu He Run nhớ lại chiếc điện thoại di động đầu tiên mà ông sở hữu “có kích thước bằng một chiếc ấm đun nước nhỏ” và có giá hơn 1 năm tiền lương của người Trung Quốc. Thời điểm đó là năm 1991, khoảng 18 năm sau kỹ sư Martin Cooper của Motorola thực hiện cuộc gọi đầu tiên bằng điện thoại di động. He là một trong số ít doanh nhân giàu có ở Trung Quốc sở hữu sản phẩm có công nghệ hiện đại này.
Ông He đã chi 20.000 tệ (khoảng 3.745 USD) ở thời điểm đó để mua một chiếc Motorola to bự, có biệt danh là “điện thoại của ông lớn” vì xuất hiện nhiều trong các bộ phim xã hội đen của Hong Kong.
Cựu doanh nhân 75 tuổi cho biết: “Điện thoại của tôi là loại nhập khẩu, to bằng chiếc ấm đun nước và giá rất cao so với thu nhập bình thường. Chiếc điện thoại này chỉ có chức năng gọi đi và nhận cuộc gọi đến. Sở hữu nó chắc chắn thể hiện cho sự giàu có, quyền lực và địa vị xã hội.”
Dù điện thoại không có nhiều chức năng, nhưng mọi người vẫn rất thích thú về thiết bị mới này và mang chúng đi khắp nơi. He nhớ lại việc ông dựng đứng chiếc điện thoại Motorola như cục gạch ở cuối bàn, chỉ để… khoe.
Còn ngày nay, Trung Quốc là quốc gia có nhiều người sử dụng điện thoại nhất thế giới. Dữ liệu chính thức cho thấy, năm ngoái, hơn 1 tỷ người ở đại lục ai cũng sở hữu một chiếc điện thoại. Vào cuối năm 2022, tỷ lệ dân số sở hữu điện thoại của nước này đạt gần 72%, chỉ thấp hơn Mỹ, Nhật Bản và Nga.
Việc công nghệ này phổ biến ở Trung Quốc đã giúp hoạt động thương mại di động trở nên bùng nổ. Hơn 2/3 người Trung Quốc mua sắm bằng smartphone, trong khi mức trung bình ở nhiều nước phát triển khác là 32%. Thanh toán di động là loại hình được chấp nhận rộng rãi ở Trung Quốc khiến gần như chẳng ai muốn sử dụng tiền mặt.
John Kou, một kỹ sư điện tử có nhiều năm kinh nghiệp, cho biết sự phát triển nhanh chóng của công nghệ này được thúc đẩy nhờ các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông, giúp Trung Quốc “đuổi kịp” cả thế giới và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Hiện tại, Trung Quốc sở hữu cơ sợ hạng tầng mạng di động lớn nhất và hiện đại nhất thế giới. Số lượng trạm gốc 5G đạt 2,38 triệu vào cuối tháng 2, chiếm 22% tổng số trạm trong cả nước. Ngay cả ở các công nghệ mới hơn như big data, điện toán đám mây hay AI, Trung Quốc cũng đạt được nhiều bước tiến lớn.
Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, nền kinh tế kỹ thuật số của nước này ước tính trị giá 45,5 nghìn tỷ NDT vào năm 2021 và đóng góp gần 40% GDP. Là công xưởng của thế giới, Trung Quốc cũng chứng kiến sự bùng nổ của hoạt động sản xuất smartphone, khi hầu hết trong số 1,2 tỷ chiếc được vận chuyển đi toàn thế giới đều được sản xuất hoặc lắp ráp ở nơi này.
Hoạt động đầu tư đa quốc gia vào những năm 1990 đã giúp Trung Quốc phát triển chuỗi cung ứng có vị thế mạnh mẽ. Nước này có thể sản xuất các linh kiện điện tử nhỏ, hiện đại, từ loa đến màn hình cảm ứng, ngoại trừ chip bán dẫn.
Liu Kaiming, người đứng đầu Viện Quan sát Đương đại, cho biết, ở những thập kỷ trước, Trung Quốc đã thu về một lượng ngoại hối lớn nhờ sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm điện tử. Ông cho hay, điện thoại di động rất quan trọng với hệ sinh thái của ngành sản xuất điện tử của Trung Quốc, là nền tảng của hoạt động xuất khẩu cũng như nền kinh tế.
Trung Quốc cũng đối mặt với thách thức lớn khi Mỹ đã liên minh với Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để hạn chế hoạt động xuất khẩu chip đến đại lục từ năm ngoái. Theo đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự sản xuất và tạo ra các đột phá đối với những loại công nghệ là “nút thắt cổ chai”, chẳng hạn như thiết kế và sản xuất chip.
Theo George Magnus, cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, dù có những hạn chế với việc tiếp cận chất bán dẫn, nhưng lĩnh vực điện thoại di động của Trung Quốc vẫn không bị đình trệ dù có thể sẽ kém cạnh tranh hơn.
Còn Zeng Liaoyuan, phó giáo sư kỹ thuật thông tin và truyền thông tại Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc, dự báo lĩnh vực sản xuất smartphone của Trung Quốc sẽ trải qua “thập kỷ đau đớn”, cho đến khi chất bán dẫn của họ sánh ngang với sản phẩm hiện đại được sản xuất ở nước khác.
Zeng cho biết Trung Quốc sẽ mất ít nhất 20 năm để tự chủ trong hoạt động sản xuất chip cho smartphone cao cấp và đó là một con số lạc quan. Ở kịch bản tệ nhất trong “cuộc chiến chip”, các thương hiệu nội địa của Trung Quốc chỉ có những chiếc điện thoại với chức năng và ứng dụng gọi điện cơ bản.
Tuy nhiên, Zeng chỉ ra, như những gì đã xảy ra trước đây, căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh về công nghệ đã thúc đẩy sự đổi mới, chẳng hạn như sự ra đời của internet ở Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Ông nói: “Tôi tin rằng sự đổi mới sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tự chủ trong sản xuất công nghệ. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ tự sản xuất được chip cho smartphone.”
Tham khảo SCMP