Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, Bộ KH&ĐT có đề xuất chính sách tăng tỉ lệ vốn nhà nước (vốn mồi) từ không quá 50% lên không quá 65%.
Đề xuất này được rất nhiều các địa phương đồng tình ủng hộ. Nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích thêm về vấn đề này.
Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 là một trong những dự án được TP.HCM đưa vào danh mục đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh: KIÊN CƯỜNG |
TS Dương Như Hùng, ĐH Quốc gia TP.HCM:
Có thể chấp nhận trong điều kiện hiện tại
Nếu ngân sách nhà nước (NSNN) góp 65% thì sẽ giảm áp lực cho tư nhân nhưng ngược lại sẽ ảnh hưởng đến NSNN. Trong giai đoạn này, tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì có thể xem đây là giải pháp. Về lâu dài, chúng ta phải huy động PPP làm rất nhiều dự án nên việc chỉ huy động 35% vốn từ tư nhân thì không đáp ứng được.
Vì vậy, sau này khi Nhà nước hoàn thiện các thể chế, các quy định, khung pháp lý liên quan đến việc này thì có thể tính tới giảm dần phần đóng góp của Nhà nước xuống.
Dự thảo đề cập đến việc tỉ lệ vốn cho các dự án PPP trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, tôi cho rằng vì các vùng này có rủi ro cao, nhà đầu tư tư nhân ít mặn mà đầu tư hơn.
Ở những vùng kinh tế - xã hội càng khó khăn, người ta phải giảm rủi ro tài chính xuống. Muốn vậy, Nhà nước phải tăng vốn lên để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Còn ở TP lớn dự án thường lớn, nếu duy trì tỉ lệ vốn góp nhà nước lớn thì cũng rất khó cho ngân sách.
Thật ra cũng không nên đặt vấn đề lợi hay hại theo góc độ kinh tế, mà phải xem hiệu quả của dự án. Vì nếu dự án ở những nơi không có hiệu quả thì rất khó thu hút đầu tư, kể cả là bao nhiêu phần trăm đi chăng nữa.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM:
Tăng “vốn mồi” trong dự án PPP là hoàn toàn đúng đắn
Tôi ủng hộ việc tăng phần vốn NSNN lên, vì chúng ta phải xác định các dự án giao thông chiến lược là trách nhiệm chính của Nhà nước.
Chúng ta phải hiểu rằng các dự án giao thông mang tính chiến lược, then chốt thì không thể dựa 50% vốn nhà nước và 50% vốn tư nhân. Vì khi vốn tư nhân không tham gia được thì không lẽ chúng ta phải đợi và không làm dự án đó.
Ở góc độ kinh tế, đầu tư công - tư thì trách nhiệm của tư nhân là gì, chúng ta không thể nói họ không vì phát triển đất nước. Đối với doanh nghiệp, đầu tiên là họ phải có lợi nhuận, vì vậy có những dự án mà vốn NSNN phải gồng gánh.
Những dự án giao thông mang tính chiến lược cũng giống như làm các dự án nhà ở xã hội. Chúng ta không thể ngồi đợi xem có nhà đầu tư tư nhân hay không rồi mới làm. Có những dự án, nhà đầu tư tư nhân khảo sát xong, họ thấy không có lời thì họ không tham gia.
Vì vậy, tôi cho rằng tăng phần vốn nhà nước để đầu tư các công trình giao thông mang tính chiến lược là hoàn toàn đúng đắn. Các dự án giao thông này khi hoàn thành sẽ kéo theo sự phát triển nhiều hơn. Chúng ta đừng tính trong dự án đấy Nhà nước tốn bao nhiêu, tư nhân làm thì tốn bao nhiêu, mấy cái đó sẽ không bù đắp được lợi ích sau này.
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế:
Cần tiếp tục xem xét các vướng mắc để tháo gỡ cho các dự án PPP
Để thu hút nguồn vốn tư nhân trong đầu tư theo hình thức PPP, nên có đề xuất tăng phần NSNN lên 65% thay vì 50% như trước. Lúc đó, vai trò của Nhà nước sẽ chiếm chủ đạo. Tuy nhiên, với tỉ lệ phần trăm này liệu có đúng theo tinh thần đối tác công tư hay không, vì vốn tư nhân chỉ còn 35%. Ngoài ra, cũng cần quan tâm là liệu tư nhân có đồng ý phần vốn đó không? Bởi nguồn vốn lớn thì lợi ích càng lớn.
Theo tôi, dự thảo nghị quyết đưa ra chính sách này để tăng thêm tính hấp dẫn của các dự án PPP. Nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc thu hút đầu tư không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với các dự án có nguồn ngân sách lớn. Tăng vốn nhà nước trong thời điểm này là hợp lý, tuy nhiên Nhà nước cần xem xét thêm các vướng mắc khác của dự án PPP thì mới đẩy nhanh tiến độ các dự án được.•
“Vốn mồi” quá 65% sẽ nghiên cứu chuyển dự án sang đầu tư công
Nguồn vốn tham gia của Nhà nước trong dự án PPP về bản chất mang tính hỗ trợ dự án, là “vốn mồi” nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án. Đồng thời, tại Luật PPP đã có quy định về việc chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Do đó, cần khống chế mức trần 65% tổng mức đầu tư của dự án. Trường hợp vốn nhà nước lớn hơn, có thể nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công do làm mất đi bản chất PPP, dẫn đến suy giảm mục tiêu, hiệu quả của phương án đầu tư PPP.
(Trích Văn bản 2159 của Bộ KH&ĐT gửi Chính phủ ngày 24-3-2023)