Từ một tháng Giêng ‘nóng rực’ khi Trung Quốc xóa bỏ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 đến tháng Hai giá hàng loạt tài sản quay đầu giảm khi lãi suất trên toàn thế giới tăng mạnh chuyển sang tháng Ba với nhiều sự kiện đáng nhớ, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng. Thị trường tài chính đã có một khởi đầu năm đầy biến động.
Tổng hợp điểm số quý đầu tiên cho thấy chứng khoán thế giới tăng giá lành mạnh ở mức 6%, trái phiếu chính phủ tăng 3%-5%, vàng tăng 8%, giá năng lượng trượt dốc và đồng USD hầu như không tăng.
Tuy nhiên, đi vào chi tiết cho thấy đằng sau những mức tăng đó là những khoảng thời gian biến động rất mạnh.
Cổ phiếu toàn cầu đã tăng 10% trong tháng 1 nhưng đã mất toàn bộ số tăng đó sau khi ngân hàng Silicon Valley (SVB) – một công ty cho vay quy mô trung bình của Mỹ mà ít người từng nghe đến - bị ngừng hoạt động và sau đó là ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse cần được giải cứu.
Cho đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu đang phục hồi và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ và châu Âu - động lực chính của chi phí đi vay toàn cầu – kết thúc tháng 3 giảm khá mạnh.
"Trong vòng ba tháng, bạn đã có ba câu chuyện hoàn toàn khác nhau," David Hauner, nhà phân tích của BofA, nói về tình hình thị trường tài chính thế giới năm nay.
"Tháng 1 là một khởi đầu cực kỳ mạnh mẽ với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng tháng 2, chúng tôi đã quay lại định giá lãi suất đỉnh của Fed lên đến 6% và điều tiếp theo là các vấn đề trong hệ thống ngân hàng."
Một lý do chính khiến giá tài sản dao động quá nhiều là do các nhà tạo lập thị trường không biết chắc các ngân hàng trung ương lớn sẽ phản ứng như thế nào vào lúc này: Tiếp tục tăng lãi suất và gây thêm khó khăn cho ngành ngân hàng? Hoặc tạm dừng tăng lãi suất và chấp nhận nguy cơ lạm phát gia tăng?
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn rất nhạy cảm với các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã tăng từ 4% lên 5% trong tháng 2, chỉ giảm xuống 3,5% sau vụ việc ngân hàng SVB - vẽ lại toàn bộ bản đồ lãi suất của Mỹ.
Việc đó đã nâng mức biến động trái phiếu của Mỹ lên mức độ cao nhất kể từ năm 2008. Châu Âu cũng chứng kiến lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 2 năm tăng từ 2,5% lên gần 3,5% và ngược lại, trong khi những động thái của ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng đang làm thay đổi cục diện.
Các cổ phiếu 'Công nghệ lớn' vốn cần chi phí vay thấp nên đã tăng vọt thêm 1/3. Nasdaq tăng 18%, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc tăng 22%, các quốc gia có thị trường mới nổi đã bán số lượng nợ kỷ lục và thị trường hàng hóa giảm giá bởi lo ngại suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
Hans Peterson, người phụ trách bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu của SEB Investment Management, cho biết: “Tất cả các hoạt động đều diễn ra trên thị trường trái phiếu, giải thích rằng những thay đổi này rất khó điều hướng. "Thị trường chứng khoán đã có kết quả tốt một cách ấn tượng."
Đồng USD cũng trải qua một quý biến động rất mạnh. Chỉ số Dollar index (DXY) giảm 1% trong quý 1 mặc dù trong quý có những thời điểm đạt mức cao kỷ lục, là khởi đầu năm yếu nhất kể từ 2018, tạo điều kiện cho bảng Anh và euro tăng khoảng 1,5%.
Trên toàn thế giới, tiền tệ của các nước Chile, Mexico, Hungary và Colombia đã tăng mạnh nhất - tới 8% trong trường hợp của Chile vì mặt hàng xuất khẩu chính của nước này, đồng, cũng tăng 7% do Trung Quốc mở cửa trở lại và khởi động lại hoạt động nhập khẩu.
Đứng đầu về cổ phiếu có mức tăng cao tính theo quốc gia là Cộng hòa Séc với mức tăng 30% tính theo đồng USD; của Colombia giảm 16%; trong khi ở Ấn Độ giảm 8% do kết quả kém của một trong những tập đoàn lớn nhất của họ, Adani.
Bitcoin đã vượt qua rất nhiều tài sản khác khi đạt kết quả tăng 70%, bao gồm tăng 40% chỉ sau 10 ngày trong giai đoạn hai ngân hàng SVB và Credit Suisse gặp khó khăn ở tháng Ba.
Để trấn an các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý ngân hàng Mỹ và châu Âu đã can thiệp ngay lập tức, khẳng định hệ thống tài chính hiện tại đã mạnh hơn nhiều so với 15 năm trước, và cam kết hệ thống tài chính hiện đang vững vàng.
Trên thị trường hàng hóa, điều đáng ngạc nhiên là giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu giảm 42%, giá dầu giảm 9%, lúa mì giảm 12% trong khi ngô giảm 4% mặc dù thời tiết mùa đông – mùa thường cần nhiều năng lượng để sưởi ấm – và dòng chảy ngũ cốc từ khu vực Biển Đen vẫn còn bấp bênh. Việc giá hàng hóa hạ nhiệt đã đem lại hy vọng lạm phát sẽ giảm.
Kể từ cuối năm 2021, các nền kinh tế phát triển lớn bao gồm Mỹ, Châu Âu và Úc đã tăng lãi suất chung gần 3.300 điểm cơ bản. Vì vậy, liệu việc tăng lãi suất đột biến đó có dừng lại trong năm nay hay không vẫn là yếu tố then chốt đối với các nhà đầu tư.
Điều đó rất quan trọng đối với nhiều quốc gia đang phát triển – những nước có những khoản nợ lớn. Ghana đã trở thành quốc gia mới đây nhất bị vỡ nợ, và tình hình một số nơi khác cũng làm gia tăng lo ngại, bao gồm cả thị trường bất động sản thương mại của Mỹ.
Willem Sels, Giám đốc Đầu tư Toàn cầu của ngân hàng HSBC cho biết: “Rất nhiều người đang tìm kiếm hướng đầu tư mà chưa biết nên đầu tư vào đâu. Có thể chúng ta đang ở trong một thị trường không định hướng nhưng đầy biến động trong một hoặc hai quý tới,” ông nói, cho rằng quý 3 hoặc quý 4 là hy vọng tốt nhất cho sự tăng trưởng bền vững.
Tham khảo: Refinitiv