Ông Nguyễn Văn Lanh - phó chủ tịch UBND TP Hội An - cho rằng việc thu phí tham quan đã được phố cổ Hội An làm từ lâu và qua nhiều lần điều chỉnh.
Vé là "chuyện nhạy cảm" ở phố cổ
Ông Lanh nói về bản chất, chủ trương này không mới, thậm chí mỗi lần câu chuyện siết, điều chỉnh vé, phí được đề cập luôn nhận được sự phản ứng quyết liệt. Tuy nhiên xu thế áp dụng thu phí, "lấy di tích nuôi lại di tích" là việc cần làm để giữ Hội An tốt hơn.
"Lâu nay có hiện tượng nhiều hãng lữ hành mặc dù bán tour cho khách có tính phí tham quan trong tổng chi phí nhưng khi khách tới thì lại thả khách "đi lang thang" mà không mua vé.
Từ đây khách không được tham quan, thiệt thòi quyền lợi, tạo ra sự bất bình đẳng giữa người mua vé và người không bỏ tiền" - ông Lanh nói.
Ông Lanh cho rằng khi siết lại việc mua vé, Hội An sẽ làm tốt hơn khâu chăm sóc, làm đẹp hơn phố cổ để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", chứ không phải vì tấm vé mà đánh mất hình ảnh của mình.
Từ trước đến nay, Hội An đang áp dụng phí tham quan đối với khách đi vào khu vực 1, thuộc quẩn thể "đỏ" bảo vệ nghiêm ngặt với hơn 1.107 di tích cổ. Bình quân mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt người ra vào phố cổ.
Tuy nhiên thống kê cho thấy chỉ 40% lượng người qua các chốt kiểm soát vào quầy mua vé, chủ yếu khách quốc tế.
Hội An "lấy di tích để nuôi di tích"
Hiện nay nguồn thu từ vé tham quan đang là nguồn thu ngân sách chủ yếu của Hội An. Khoảng 50% - 70% tiền thu được dùng để tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ trùng tu đối với di tích tập thể, tư nhân.
"Chi phí trùng tu di tích là rất lớn. "Rẻ" nhất cho việc trùng tu một di tích hiện nay 5 tỉ đồng thì tiền trích lại từ bán vé mỗi năm chỉ đủ trùng tu 7 - 10 căn.
Trong khi hiện Hội An có khoảng 155 (chiếm 14%) di tích xuống cấp đang phải chống đỡ, trong số này có hơn 20 di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão" - ông Lanh nói.
Theo nhiều hãng lữ hành, việc siết lại vé tham quan là điều nên làm để công bằng cho tất cả mọi người. Bởi lâu nay việc thu phí phần lớn chỉ dành cho khách quốc tế (120.000 đồng/lượt/người), đây là điều rất không công bằng.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - cho rằng mức phí hiện chưa tương xứng với giá trị của một di sản.
"Hạ Long, Huế, thậm chí ở các nước Đông Nam Á thì mức phí tham quan cao gấp nhiều lần. Đa phần khách quốc tế họ ủng hộ và sẵn lòng đóng góp cho di sản. Đây cũng là quan điểm được UNESCO ủng hộ, đánh giá cao" - ông Thủy nói.
Tuy nhiên, theo ông Thủy, vấn đề là Hội An sẽ ứng xử thế nào, tổ chức thu phí thế nào để đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người.
Cần áp dụng công nghệ để kiểm soát vé chứ không thể làm thủ công như lâu nay. Đặc biệt cần công khai, minh bạch cho du khách thấy số tiền mình đóng góp đã được quay lại bảo tồn di tích ra sao. Nếu làm được thì du khách sẽ đồng lòng.
Ông Nicklas Thuden - du khách Thụy Điển - nói rằng ông bất ngờ trước vẻ đẹp và sẵn sàng bỏ thêm tiền để được vào phố cổ Hội An. "Chúng tôi không mấy quan tâm đến chuyện phí tham quan, vấn đề là thấy xứng đáng và chúng tôi coi việc trả phí chính là ủng hộ cho những người đang giữ gìn không gian phố cổ' - ông Nicklas nói.
Tuy nhiên trên cộng đồng mạng nhiều ngày qua đang tranh cãi và phản ứng gay gắt chuyện áp dụng phí.
Trao đổi với PV, đại diện UBND TP Hội An cho biết sẽ tổ chức họp báo vào ngày 20-4 để trả lời hết các thắc mắc của dư luận.
Thay vì được "du di" như lâu nay, từ ngày 15-5 tới đây tất cả người Việt, trừ người Hội An có lý do chính đáng, khi vào phố cổ Hội An sẽ buộc phải mua vé.
Xem thêm: mth.19311500140403202-hcit-id-ioun-hcit-id-yal-ed-nauq-maht-ihp-uht-na-ioh-oc-ohp/nv.ertiout