Từ đó, đề xuất tăng giá điện đã được đưa ra và xã hội đón nhận với yêu cầu EVN phải minh bạch về chi phí. Liên quan đến vấn đề này, Tuổi Trẻ trao đổi với ông HÀ ĐĂNG SƠN - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh. Ông Sơn cho hay ngành điện hiện đang được kiểm soát rất kỹ về vấn đề này.
* Cụ thể, việc kiểm soát kinh doanh, chi phí của EVN thế nào, thưa ông?
- Ngoài việc bị kiểm soát các chỉ tiêu tài chính, các chi phí sản xuất kinh doanh của EVN luôn được thẩm định và kiểm tra bởi đoàn kiểm tra liên ngành. Quan điểm cho rằng EVN lỗ do đầu tư kém hiệu quả thì cũng có lý do đã có giai đoạn Chính phủ cho phép các tập đoàn/tổng công ty nhà nước được tham gia đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành.
Tuy nhiên vào năm 2017, Chính phủ đã có chỉ đạo sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc EVN. Đến năm 2019, về cơ bản EVN đã hoàn thành thoái hết vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành. Tập đoàn này đã tập trung vào các hoạt động cốt lõi là sản xuất kinh doanh điện.
* Vậy còn việc EVN chịu lỗ trong thời gian gần đây thì sao?
- Những năm qua, nhu cầu sử dụng điện không ngừng tăng. Các khoản chi phí nguyên nhiên liệu chịu tác động của thị trường thế giới song giá điện đã không điều chỉnh theo mức trượt giá, biến động giá cả nhiên liệu thế giới. Đây cũng là giai đoạn mà nguồn năng lượng tái tạo vào nhiều và việc phải trợ giá cho các dự án này khiến giá mua điện cao hơn giá bán lẻ điện, và hệ quả là EVN chịu lỗ.
Cũng cần phải nói thêm là giai đoạn 2021 - 2022 cũng là giai đoạn khủng hoảng của thị trường năng lượng quốc tế. Ví dụ Singapore là nước được coi là có thị trường điện lực cạnh tranh đầy đủ, giá điện bán lẻ được phép điều chỉnh linh hoạt, song nhiều công ty sản xuất và phân phối điện cũng báo cáo lỗ và thậm chí phải xin tạm dừng hoạt động.
* EVN mua điện của nhiều nhà cung cấp và bán điện cho người dân. Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của EVN trong ngành điện hiện nay?
- Đến hết năm 2021, tỉ trọng nguồn điện sở hữu bởi EVN và các tổng công ty phát điện là 39%. Trong khi đó, tỉ trọng nguồn điện của khu vực tư nhân là 42%. Điều này cho thấy trong khâu phát điện thì EVN không còn đóng vai trò độc quyền. EVN tham gia với vai trò điều tiết và đảm bảo cung ứng điện. Với sự vận hành của thị trường điện cạnh tranh, các tổng công ty phát điện và các nhà máy điện trực tiếp trực thuộc EVN cũng đang tham gia vào thị trường và chào giá cạnh tranh trên thị trường bán buôn điện.
Đối với khâu truyền tải, theo các quy định của Luật điện lực cũng như đặc trưng của ngành thì EVN hiện đang giữ vai trò độc quyền nhà nước. EVN sẽ thực hiện các chức năng đầu tư cũng như vận hành các tuyến truyền tải chính của quốc gia. Thêm nữa là với mức phí truyền tải đang khá thấp (khoảng hơn 70 đồng/kWh), rất khó để tư nhân có thể cạnh tranh vào khâu này. Hầu hết các khoản đầu tư tư nhân trong lĩnh vực truyền tải chỉ với mục đích đấu nối các dự án nguồn điện do tư nhân đầu tư với lưới điện quốc gia.
Với khâu phân phối, trước đây ngoài EVN còn có các hợp tác xã tư nhân tham gia bán lẻ điện. Song tỉ trọng này không cao và giảm dần, do giá bán điện không hấp dẫn và chất lượng điện còn nhiều vấn đề.
Với lộ trình phát triển thị trường bán lẻ điện, bắt đầu từ năm 2021 một số công ty điện lực sẽ phải tách riêng bộ phận bán lẻ thành một đơn vị điện hạch toán độc lập. Từ sau năm 2023, khâu bán lẻ của các công ty điện lực cần tách thành đơn vị bán lẻ điện hạch toán độc lập. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đang diễn ra chậm hơn so với lộ trình quy định.
* Vậy tại sao chúng ta không thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu EVN gắn với sự phát triển của thị trường phát triển điện cạnh tranh?
- Có thể thấy rằng việc tái cơ cấu EVN theo lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng đây là vấn đề mà không chỉ EVN có thể tự giải quyết được. Ví dụ như việc kêu gọi các nhà máy điện tham gia vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh vẫn gặp nhiều khó khăn với các dự án điện do tư nhân đầu tư, do đây là một thị trường khá mới và xa lạ với đa phần các nhà đầu tư tư nhân và khối ngân hàng.
Còn trong lĩnh vực phân phối điện, do còn nhiều rào cản cả về kỹ thuật, thể chế cũng như khung pháp lý nên trong ngắn hạn EVN vẫn có vai trò độc quyền. Tuy nhiên, trong dài hạn, sự độc quyền này cần phải được xóa bỏ để đảm bảo điện năng được cung ứng cho các khách hàng cuối cùng với chi phí hợp lý và chất lượng đảm bảo.
* Vậy theo ông nên hiểu thế nào về "độc quyền" ngành điện hiện nay và làm sao giảm tính độc quyền?
- Như đã phân tích ở trên, trong các khâu sản xuất kinh doanh, truyền tải điện vẫn mang tính độc quyền tự nhiên. EVN với vai trò là doanh nghiệp nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Khối tư nhân chỉ tham gia ở một số hạng mục phát triển các tuyến truyền tải phục vụ các dự án nguồn liên quan. Hoặc tư nhân có thể đầu tư ở các công trình ít tác động tới an toàn hệ thống.
Trong lĩnh vực phát điện, vai trò của tư nhân ngày càng tăng. Như vậy, độc quyền ngành điện trong phát điện sẽ không còn nữa khi các dạng nguồn điện khác nhau cùng tham gia vào thị trường bán buôn điện.
Còn trong lĩnh vực phân phối điện, kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy xóa bỏ độc quyền sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng được tiếp cận với nhiều lựa chọn hơn. Khi đó, giá điện sẽ phản ánh chi phí thị trường tốt hơn. Mặc dù để tạo được cạnh tranh trong lĩnh vực phân phối điện sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực cải tổ cả về quy định kỹ thuật cũng như khung pháp lý.
* Giá thành sản xuất kinh doanh điện luôn được Bộ Công Thương công bố, trên cơ sở các báo cáo tài chính của EVN đã được kiểm toán, hội đồng kiểm tra liên ngành thẩm định. Nhưng người dân vẫn thấy rằng chưa đủ công khai minh bạch, theo ông vì sao?
- Trong các năm gần đây, EVN đã công bố công khai các báo cáo kiểm toán tài chính của tập đoàn do bên kiểm toán độc lập thực hiện. Các số liệu về giá thành điện cũng được hội đồng kiểm tra liên ngành thẩm định và xác nhận.
Tuy nhiên, có thể do đã quá lâu người dân phải tiếp cận với những nguồn thông tin thiếu minh bạch hoặc chưa có thông tin đầy đủ về các yếu tố cấu thành chi phí sản xuất kinh doanh điện. Thêm nữa là những tin thiếu kiểm chứng (ví dụ như bù chéo, EVN huy động nhiều nhiệt điện chạy dầu để tạo áp lực tăng giá, rồi giá điện tái tạo rất rẻ mà không huy động...) dẫn tới nghi vấn nhưng chưa được truyền thông giải thích. Tôi cho rằng việc tăng cường truyền thông để hiểu đúng cần được tiến hành cả từ phía EVN lẫn các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Điều này giúp tạo sự đồng thuận khi có sự điều chỉnh giá điện.
Cơ chế "soi" chi phí của EVN ra sao?
Theo Bộ Công Thương, nguyên tắc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện được thực hiện trên cơ sở quyết định số 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Cụ thể, kết quả sản xuất kinh doanh điện của EVN được công bố dựa trên kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện của các bộ, cơ quan, hiệp hội có liên quan. Cụ thể là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Việc kiểm tra dựa trên các tài liệu mà EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, bao gồm báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN; báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện (trên cơ sở kiểm tra chọn mẫu); tài liệu do các đơn vị được kiểm tra cung cấp theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác. Tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ và quản lý ngành. Chi phí mua điện từ các nhà máy điện xác định thông qua hợp đồng mua bán điện.
Bộ Công Thương nói gì về khoản lỗ của EVN
Dưới đây là diễn giải của Bộ Công Thương về nguyên nhân EVN bị lỗ trong thời gian qua.
1. Chi phí sản xuất tăng
Mức giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh (tăng 1,84% so với năm 2020); năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh (tăng 9,27% so với năm 2021).
Giải thích nguyên nhân khiến giá thành tăng, Bộ Công Thương cho hay phát điện chính là khâu làm tăng chi phí nhiều nhất. Cụ thể, tổng chi phí khâu phát điện năm 2021 tăng 28.425,35 tỉ đồng (tăng 9,14% so với năm 2020). Trong năm 2022 chi phí này tăng lên gấp hơn 2,5 lần với 72.855,58 tỉ đồng (tăng 21,47%).
2. Vì sao tăng?
Chi phí khâu phát điện tăng đột biến trong năm 2022 có nguyên nhân do biến động từ giá nhiên liệu và tỉ giá. Trong đó, giá than pha trộn theo Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc năm 2022 tăng bình quân từ 34,7% lên 46,4% so với giá than pha trộn bình quân từng loại than năm 2021, làm tăng chi phí mua điện hầu hết ở các nhà máy nhiệt điện than.
Giá than nhập khẩu năm 2022 cũng tăng rất mạnh so với năm 2021. Cụ thể, bình quân giá than theo chỉ số gbNewc năm 2022 là 362,8 USD/tấn, tăng 163% so với bình quân năm 2021 (138 USD/tấn).
Đặc biệt, thời điểm tháng 4-2022 giá than theo chỉ số gbNewc bình quân là 705,4 USD/tấn, tăng 411% so với bình quân năm 2021. Giá than nhập khẩu tăng cao dẫn đến chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập tăng cao.
Về giá khí, giá thị trường năm 2022 bình quân là 5,91 USD/triệu BTU, tăng 27,4% so với bình quân năm 2021, làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy tuốc bin khí.
Bộ Công Thương cho hay, do khí Nam Côn Sơn suy giảm nên nhà máy nhiệt điện khí Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng, Phú Mỹ 4, Nhơn Trạch 1&2 phải tiếp nhận khí từ mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt, khí Đại Hùng, Thiên Ưng có giá cao. Đặc biệt là khí từ mỏ Thiên Ưng - Đại Hùng, Sao Vàng - Đại Nguyệt có giá rất cao, khoảng 10 - 12 USD/triệu BTU.
3. Tỉ giá tăng
Mức biến động tỉ giá đồng USD trong năm 2022 cũng tăng làm tác động tới giá thành. Cụ thể, tỉ giá bình quân theo ngày của tỉ giá USD bán ra giờ đóng cửa của hội sở chính - Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam năm 2022 tăng 495,3 đồng/USD, tương ứng tăng 2,2% so với bình quân năm 2021.
Mức tăng của tỉ giá đã làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng bằng ngoại tệ (USD) hoặc giá mua nhiên liệu bằng ngoại tệ như các nhà máy nhiệt điện khí, nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và các nhà máy năng lượng tái tạo.
4. Bù giá cho vùng sâu, vùng xa
Bộ Công Thương cũng cho hay, EVN còn thực hiện bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo, xã đảo chưa nối điện lưới quốc gia trong các năm 2021, 2022 lần lượt là 265,75 tỉ đồng và 387,55 tỉ đồng.
Với mức giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện các năm 2021, 2022 đều tăng so với năm trước đó, và thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm, nên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN trong hai năm này đều lỗ. Cụ thể, năm 2021 lỗ 975,31 tỉ đồng; năm 2022 lỗ 36.294,15 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp mong muốn gì?
Bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3-4, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết áp lực tăng giá bán lẻ điện là rất lớn.
Vì thế, "Mức tăng giá cụ thể, thời điểm tăng sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tổng hòa lợi ích như bài toán cân đối tài chính cho EVN, lợi ích người dân, doanh nghiệp sản xuất và kiểm soát lạm phát", ông Hải nói. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngoài giá, doanh nghiệp sản xuất còn có những đề xuất khác.
Tăng giá điện, cần tăng chất lượng điện
Một doanh nghiệp FDI đến từ Mỹ cho biết đã đầu tư hơn 1 tỉ USD để xây dựng, vận hành nhà xưởng sản xuất ở TP.HCM. Theo doanh nghiệp này, ngành điện đã hỗ trợ xây dựng trạm điện 110kV để đáp ứng nhu cầu sản xuất rất lớn của nhà máy thời gian qua. Tuy nhiên, những năm qua thỉnh thoảng bị mất điện toàn bộ hoặc cục bộ, dễ gây nên thiệt hại nặng nề khi có đến 95% thiết bị tự động hóa, rất nhạy cảm với chất lượng điện áp. Với những rủi ro này, phía doanh nghiệp mong muốn ngành điện tiếp tục cải thiện chất lượng điện năng nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống điện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Trung - chủ tịch HĐQT Tôn Đông Á - cho biết nhà máy sản xuất của doanh nghiệp này có đặc thù của ngành nên nếu chỉ cần một sự cố đóng cắt nguồn điện thì phải mất từ 12 - 24 giờ mới tái hoạt động ổn định, kéo theo cả một nhà máy bị ảnh hưởng. Ông Trung nhìn nhận chất lượng điện năng của EVN cung cấp cho nhà máy đã cải thiện trong các năm qua, tuy nhiên khi giá điện có điều chỉnh, EVN có thêm nguồn lực thì cần đẩy mạnh đầu tư thêm hạ tầng để ổn định nguồn cung điện, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ngành điện cần thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-4, ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết một số ít doanh nghiệp cần chất lượng điện cao hơn so với tiêu chuẩn và hiện ngành điện vẫn nỗ lực cải thiện chất lượng điện năng, đáp ứng những tiêu chuẩn cao này.
Ông Kiên cũng cho hay hiện nay lưới điện TP đã phủ kín và ổn định. Tuy nhiên, tiêu thụ điện năng tăng trưởng, nếu có thêm nhiều khách hàng lớn sẽ khó khăn cho điện lực TP trong việc cung cấp nguồn như kéo hệ thống lưới điện mới. Trong khi đó, hiện nay về mặt mỹ quan đô thị, ngành điện phải ngầm hóa nên cần chi phí lớn, gấp 3 - 4 lần và chi phí mặt bằng cho các trạm chuyển tải, trung gian. Những cải tiến để phục vụ khách hàng tốt hơn, ngành điện cần những nguồn lực đáng kể, trong đó có vấn đề tài chính.
Năm 2022 thời gian mất điện bình quân cả năm của mỗi khách hàng là 35 phút. Năm nay, điện lực TP đặt mục tiêu giảm thời gian mất điện của mỗi khách hàng còn dưới 20 phút.
N.HIỂN - N.AN
Cần thông báo lộ trình
Ông Đoàn Võ Khang Duy, phó chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho rằng trong trường hợp buộc phải tăng giá điện, cần phải đưa ra một lộ trình cụ thể về thời gian dự kiến tăng giá, mức tăng vì sản xuất xuất khẩu sẽ phải đàm phán hợp đồng, có khi là 3 - 6 tháng.
Tuy vậy, ông Duy cho biết với một số ngành công nghiệp hỗ trợ, chi phí điện tương đối ít, khoảng dưới 10% nên nếu mức tăng giá điện dưới 5% thì không ảnh hưởng quá lớn. Bên cạnh đó, hiện nhiều doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ, sử dụng các loại máy móc ít hao tổn điện so với trước bên cạnh nhiều nhà máy cũng đã dùng thêm điện mặt trời nên các doanh nghiệp cũng tiết giảm chi phí điện.
Với khoản lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2022 là hơn 26.200 tỉ đồng, Bộ Công Thương cho biết đã xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và báo cáo Thủ tướng.
Xem thêm: mth.86283530140403202-oas-ar-nve-auc-ihp-ihc-tas-maig-neid-aig-gnat-gnan-ahk-court/nv.ertiout