Giá đầu vào phi mã, đầu ra hạ giá
Giá đầu vào tăng mạnh, trong khi đầu ra giảm là mối nguy tiềm ẩn đối với cung - cầu thị trường thịt trong nước năm 2023.
Trong 2 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng cả chục lần. Việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến chi phí đầu vào tăng, trong khi thành phẩm bán ra lại thấp. Hàng triệu nông dân rơi vào cảnh khó khăn khi không biết nên tiếp tục chăn nuôi hay dừng lại, bởi tiếp tục chăn nuôi thì sẽ rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.
Chi phí sản xuất tăng cao, đầu ra hạ giá, nhưng mệt hơn cả là sức tiêu thụ rất chậm. Thịt sản xuất trong nước khó bán, lại càng thêm khó khi phải cạnh tranh với lượng thịt nhập khẩu về nhiều theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) với lợi thế về giá.
Ngày 31/3, giá lợn hơi tiếp tục đi ngang ở vùng giá thấp. Giá thịt lợn tại miền Bắc dao động trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam là 51.000 - 53.000 đồng/kg.
Tại cuộc họp của Tổ Điều hành thị trường trong nước tháng 3/2023 tại Bộ Công thương cuối tuần trước, nhiều các ý kiến cho rằng, giá thịt lợn ở mức thấp đe dọa ảnh hưởng đến nguồn cung vào cuối năm.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, giá thịt lợn đang ở mức thấp, nên ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và việc tái đàn.
“Nếu tình trạng tái đàn hạn chế, dự báo đến cuối năm nay sẽ không đủ nguồn cung cho nhu cầu sử dụng, tác động đến giá thực phẩm và CPI. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này và đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường”, bà Oanh nói.
Ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận, hiện các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến thịt lợn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, bởi chi phí nguyên liệu tăng cao, trong khi giá thịt lợn xuống thấp, nên không đủ bù đắp chi phí…
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện về nguồn vốn vay để thuận lợi trong việc tái đàn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, ngành chăn nuôi trong năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho rằng, phải đến đầu quý II/2023, nền kinh tế mới phục hồi dần, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động mới được cải thiện trở lại, đẩy mức tiêu thụ thực phẩm, trong đó có sản phẩm thịt tăng.
Mệt mỏi vì phụ thuộc lớn vào nhập khẩu
Việt Nam đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ bên ngoài, hàng năm chi khoảng 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu các loại. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chi phí sản xuất sản phẩm chăn nuôi bị đội lên, gần như không có giải pháp hạ nhiệt.
Số liệu từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho thấy, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 10,32 triệu tấn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, ngốn lượng ngoại tệ lên tới 5,6 tỷ USD. So với năm trước đó, giảm 1,1% về lượng, nhưng lại tăng 13,6% về trị giá do giá tăng.
Năm qua, có những chủng loại mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có giá nhập khẩu tăng 10 - 20%, như đậu tương, khô dầu lạc, bột thịt xương, bột gia cầm, bột cá, bột bánh mỳ, cám ngô… Giá nhập khẩu một số mặt hàng tăng trên 20% như cám gạo, cám mỳ, bột huyết tương, bột lông vũ..
Riêng đậu tương trong năm qua nhập khẩu 1,8 triệu tấn, trị giá 1,256 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng so với năm 2021, nhưng lại tăng 6,3% về trị giá. Nguồn cung cấp chính đậu tương là Nam Mỹ và Mỹ. Giá nhập khẩu trung bình đậu tương trong năm 2022 ở mức 560 USD/tấn, tăng 12,3% so với năm 2021.
Thực tế, thức ăn chăn nuôi trong nước đang phụ thuộc tới 80 - 90% vào nguồn nhập khẩu, trong đó có những nguồn không thể thay thế như lúa mỳ, đậu tương, ngô và các loại khô dầu động thực vật..
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn cho biết, doanh nghiệp đã từng liên kết với các vùng trồng bắp ở Sơn La, Đắk Lắk… để hỗ trợ thu mua ngô, đậu tương nguyên liệu, song chất lượng không đồng đều, trong đó quan trọng nhất là kết quả kiểm định còn tồn dư một số độc tố trong quá trình sản xuất.
Thức ăn chăn nuôi chiếm hơn 70% giá thành và liên tục tăng trong suốt thời gian dài vừa qua. Hệ lụy nguy hiểm là khi nông dân mất khả năng sản xuất, thị trường thịt cho 100 triệu dân sẽ trở thành sân chơi của các doanh nghiệp nước ngoài và một phần sản lượng rất lớn từ nhập khẩu.
Để tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi khi giá thức ăn đắt đỏ, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam (VFA) và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã có công văn đề nghị giảm thuế nhập khẩu đậu tương từ 2% xuống 0%.
Theo VFA, từ cuối tháng 12/2021, thuế nhập khẩu lúa mỳ từ 3% đã giảm xuống còn 0%; ngô giảm từ 5% xuống còn 2%. Trong khi đó, đậu tương là nguyên liệu chính trong công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng vẫn giữ mức thuế nhập khẩu 2%, nên gây nhiều áp lực lên chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tình trạng này gián tiếp dẫn tới 45-50% trang trại chăn nuôi lớn treo chuồng, 70-75% gia trại và hộ chăn nuôi nhỏ tạm ngừng tái đàn do giá bán sản phẩm chăn nuôi không bù đắp được chi phí đầu vào.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, việc giảm thuế về 0% với đậu tương nhập khẩu là phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực, từ đó phần nào giúp chuỗi chăn nuôi giảm bớt chi phí.
Theo đánh giá của nhà sản xuất, tình trạng giá thức ăn chăn nuôi “neo cao” sẽ còn kéo dài đến quý III/2023. Giá thức ăn chăn nuôi đi xuống hay không còn phụ thuộc vào xung đột Nga - Ukraine và sự phục hồi của kinh tế châu Âu.
Về lâu dài, để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, theo VFA, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp chế biến phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi.