Trong buổi gặp báo chí hôm 3/4, ông Bình nói thời gian trước, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) là một trong những doanh nghiệp khởi đầu xu hướng huy động vốn qua kênh trái phiếu, trung bình cứ 3-6 tháng phát hành một lô. Mục tiêu muốn hoàn thành bốn dự án trọng điểm gồm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, mở rộng Xa lộ Hà Nội, chung cư The River Thủ Thiêm và tòa nhà 152 Điện Biên Phủ.
Theo ông Bình, cả bốn dự án trên được triển khai cùng lúc và đều cần rất nhiều tiền, nhất là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong khi đó, tình trạng tiếp cận vốn gặp khó sau giai đoạn tăng trưởng nóng và xảy ra khủng hoảng về khả năng hoàn vốn của nhiều dự án trên toàn quốc. Vì thế, các ngân hàng hạn chế cho vai với dự án thu phí giao thông. Lúc bấy giờ, doanh nghiệp này phải đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu.
Nợ vay tài chính của công ty cuối 2016 gần 3.600 tỷ đồng, nhưng đến 2021 đã lên hơn 17.000 tỷ đồng. Giai đoạn đó, các công ty chứng khoán thường lưu ý lợi nhuận CII bị ảnh hưởng lớn bởi đòn bẫy tài chính. Tính riêng năm ngoái, chủ đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải chi hơn 3 tỷ đồng mỗi ngày để trả chi phí lãi vay.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết giai đoạn khó khăn của CII đã qua khi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành tháng 7/2022 và đưa vào thu phí trong tháng 8. Doanh thu phát sinh được ghi nhận trong báo cáo tài chính hơn 290 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án BOT Xa lộ Hà Nội cũng được thu phí trở lại từ tháng 4 năm ngoái.
Tính chung mảng thu phí giao thông, hiện doanh nghiệp này đang có 7 dự án, sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp qua công ty con CII B&R. Đến cuối năm ngoái, tổng vốn đầu tư chưa thu hồi còn hơn 20.800 tỷ đồng.
Ông Bình nói các dự án BOT đều có thời gian thu hồi vốn dài, thường trên 10 năm. Dòng tiền ròng tăng theo thời gian do điều chỉnh tăng giá vé thu phí và tăng trưởng lưu lượng giao thông mỗi năm. Các dự án chỉ kết thúc thu phí và chuyển giao cho Nhà nước sau khi đã hoàn trả toàn bộ nợ gốc và lãi vay ngân hàng, hoàn trả đầy đủ vốn đầu tư và thu hồi lợi nhuận theo quy định.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ thu hồi được vốn và lợi nhuận đã đầu tư cho các dự án BOT", ông khẳng định.
Sức khỏe của doanh nghiệp này còn được cải thiện nhờ đóng góp lớn của mảng bất động sản. Năm ngoái, khi thị trường chung xấu đi, CII vẫn có thể thu tiền và bàn giao các căn hộ thuộc dự án D'Verano, The River Thủ Thiêm và 152 Điện Biên Phủ. Việc này giúp giá trị hàng tồn kho bất động sản giảm về 4% tổng tài sản hợp nhất và dự kiến hoàn tất năm nay.
"Chúng tôi thành công ở bất động sản nhờ làm mà không tham", ông Lê Quốc Bình chia sẻ. Xác định đây chỉ là hoạt động phụ trợ và giúp tăng hiệu quả cho hoạt động đầu tư hạ tầng, công ty không mua đất mà chỉ đầu tư vào quỹ đất được nhận khi tham gia các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), tức đổi hạ tầng lấy đất. Doanh nghiệp này vẫn còn quỹ đất đã được giao ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tuy vẫn chờ các cơ quan quản lý thực hiện thủ tục.
"Với hai nguồn thu lớn từ BOT và bất động sản, công ty đủ khả năng trả mọi khoản nợ", lãnh đạo CII cho biết. Hồi giữa tháng 3, công ty này chi 1.960 tỷ đồng để thanh toán toàn bộ tiền gốc và lãi của một lô trái phiếu đến hạn. Năm nay, doanh nghiệp này còn hai lô phải thanh toán vào tháng 7 và tháng 8, tổng giá trị hơn 1.300 tỷ đồng. Công ty đã chuẩn bị đủ nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ với hai lô trái phiếu này.
Sau nhiều năm giữ tiền, doanh nghiệp này dự kiến chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12% và chia cổ phiếu thưởng 14%. Ông Bình nói về cơ bản đã có nguồn lực để thực hiện, chỉ chờ hoàn tất thủ tục.
Tất Đạt