Giá thức ăn cho thú vật nuôi đã tăng từ mức trung bình 1,71 USD/pound vào năm 2011 lên 2,55 USD/pound vào năm 2017. Các chủ sở hữu ngày càng nuông chiều thú cưng của mình. Tổng chi tiêu của chủ vật nuôi vào năm 2007 là 41,2 tỷ USD. Mười năm sau, con số ấy lên đến 69,5 tỷ USD.
Các chuyên gia cho biết thế hệ millennial (những người ra đời trong khoảng từ năm 1981 đến 1996) đang đối xử với thú cưng như con đầu lòng của họ. Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew, khả năng kết hôn của thế hệ millennial thấp hơn 50% so với thế hệ trước.
Họ đang trì hoãn việc trở thành cha mẹ. Thay vào đó, họ trở thành chủ sở hữu thú cưng và ngày càng chi tiêu rộng rãi hơn cho những “bé cưng” của mình.
Theo Nielsen, chi tiêu hàng năm của các hộ gia đình dành cho thú cưng đã tăng 36% từ năm 2007 đến năm 2017. Sự thay đổi này đã dẫn đến một loạt thương hiệu mới gia nhập thị trường.
Năm 2017, 4.500 sản phẩm thức ăn cho thú cưng mới đã được giới thiệu, tăng 45% so với năm trước. Nhiều sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường và được dán nhãn là sản phẩm cao cấp.
Những người chủ ngày càng muốn tiêu nhiều tiền hơn cho thú cưng của mình. Khi đó, thị trường dần bão hòa với nhiều lựa chọn hơn về các thương hiệu thức ăn cao cấp phục vụ cho những động vật nuôi trong nhà này.
Cailin Heinze nói với Insider: “Cao cấp hóa là ý tưởng mà bạn có thể nâng cao nhận thức về giá trị của sản phẩm bằng cách tiếp thị, thậm chí chỉ bằng một thứ gì đó rất đơn giản thôi, chẳng hạn như gọi đó là chế độ ăn kiêng cao cấp cho vật nuôi.”
“Chế độ ăn kiêng cao cấp không nhất thiết phải có bất cứ thứ gì mà chế độ ăn kiêng không cao cấp không có mà là làm nổi bật những gì mà chế độ ấy có,” Heinze nói thêm.
Một nghiên cứu năm 2007 do Viện Công nghệ California và Đại học Stanford thực hiện đã phát hiện ra rằng giá của một sản phẩm có thể thay đổi hoạt động não bộ của chúng ta trong cách chúng ta cảm nhận sản phẩm. Nghiên cứu chỉ ra rằng não của chúng ta đánh đồng việc sản phẩm đắt tiền hơn có nghĩa là chất lượng sẽ tốt hơn.
Theo Heinze, không nhất thiết sẽ có sự khác biệt về mặt dinh dưỡng giữa cái gọi là thức ăn vật nuôi cao cấp và loại thức ăn vật nuôi trung bình.
Tuy nhiên, cách tiếp thị sản phẩm sẽ là “Danh sách về những thứ không có.” Có nghĩa là họ tiếp thị về những thứ mà sản phẩm của họ không chứa: Không ngô, không lúa mì, không ngũ cốc, không sản phẩm phụ, không khoai tây.
Danh sách này thực sự ngày càng dài hơn như thêm các tuyên bố rằng sản phẩm không có chất bảo quản nhân tạo hay màu nhân tạo. Vấn đề là, đối với phần lớn những thứ được liệt kê đó, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy như vậy sẽ là tốt hơn, theo ý kiến của Heinze.
Hanbury nói với Insider rằng cách tiếp thị này có liên quan đến cơn sốt về sức khỏe tại thời điểm mà mọi người đang cực kỳ coi trọng những gì mà họ ăn. Và điều tiếp theo khi mọi người ngưng nghĩ đến bản thân rõ ràng sẽ để tâm đến những điều gần gũi nhất với mình. Đó chính là thú cưng.
Vì vậy, nếu mọi người đang quan tâm đến đồ ăn hữu cơ, họ cũng sẽ tìm kiếm thức ăn hữu cơ cho vật nuôi. Càng xem thú cưng là một thành viên “lắm lông” trong gia đình, người ta sẽ càng tìm kiếm thực phẩm gần giống với những gì mình ăn nhất cho chúng.
Tham khảo Insider