FTSE Russell - 1 trong 2 tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán có tiếng (bên cạnh MSCI), mới ra báo cáo đánh giá việc xếp hạng các thị trường chứng khoán và Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Market). Điều này đồng nghĩa chứng khoán Việt Nam đã nằm trong danh sách này từ tháng 9/2018.
Sau 4 năm 6 tháng nhìn nhận chưa có tiến triển gì trong công tác cải tổ thị trường đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, FTSE Russell đã phát đi một thông điệp đáng chú ý.
Tổ chức FTSE Russell cho biết, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam không cho thấy những tiến độ rõ ràng về việc cải tổ thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế, vào kỳ đánh giá tháng 9 năm nay, họ có thể sẽ không để Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.
"Vấn đề quan trọng đối với việc nâng hạng của Việt Nam vẫn là những vấn đề cũ, bao gồm triển khai các vấn đề mới, các sản phẩm và dịch vụ mới trong Luật Chứng khoán như chứng chỉ lưu ký không có quyển biểu quyết (NVDR), hay vấn đề liên quan đến hệ thống giao dịch bù trừ trung tâm, bán khống, đây là các điều vẫn chưa được triển khai trong thực tế", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, SSI Research, cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo các nhà đầu tư quốc tế, liên quan đến rào cản về giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, nếu không thể mở ngay lập tức, Việt Nam có thể sử dụng sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), tức là cho phép nhà đầu tư nước ngoài được hưởng các quyền lợi về nắm giữ cổ phần, nhưng không cho quyền biểu quyết. Đây được đánh giá là sản phẩm đôi bên cùng có lợi, nhưng giải pháp đã được đưa ra nhiều năm, đến nay vẫn chưa có lời giải.
"Vẫn là vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhiều nhóm ngành, đó là lý do rất nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa thể tiếp cận thị trường Việt Nam", ông Kevin Snowball, Cựu CEO Quỹ PXP Vietnam, cho hay.
"Quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở các ngành nghề, đảm bảo tính công bằng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước trong từng ngành nghề khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được mở rộng. Việc này cần sự phối hợp của các bộ, ngành và Ủy ban sẽ nỗ lực trao đổi với các bộ, ngành để thúc đẩy", ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thông tin.
Một tiêu chí cũng là rào cản nhức nhối để Việt Nam được nâng hạng là cơ chế thanh toán. Theo thông lệ quốc tế khi mua cổ phiếu là "tiền trao cháo mới múc", còn cơ chế thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải trả tiền ngay thời điểm mua (pre funding) sau đó đến 2 ngày sau cổ phiếu mới về mà lại không có ngân hàng lưu ký tham gia bảo lãnh thanh toán. Phân tích như vậy để thấy rằng trong nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán, không chỉ có vai trò của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở, Trung tâm Lưu ký và công ty chứng khoán, còn cần sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
VTV.vn - Thị trường chứng khoán có phiên mở đầu quý II/2023 ấn tượng. Nhóm bất động sản tăng mạnh mẽ, tạo hiệu ứng lan tỏa, giúp các nhóm ngành đều khởi sắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!