"Chủ trương của Hội An vẫn tiếp tục thực hiện. Vấn đề là cần thực hiện mềm dẻo, linh hoạt, không phải ai ủng hộ thì mua, còn không thì thôi.
Thành phố sẽ có từng điều chỉnh cụ thể, người vào du lịch thì phải mua vé, còn trong khu vực vào chụp ảnh đám cưới, uống cà phê thì sẽ tạo điều kiện cụ thể" - người đứng đầu chính quyền thành phố Hội An thông tin.
Hội An "sống" và đẹp được là nhờ vé, phí
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cũng nói sẽ tiếp tục chủ trương thu phí tham quan bởi đó là việc thích hợp, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ di sản và được UNESCO ủng hộ.
Tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hội An được UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới, người đứng đầu UNESCO Việt Nam lúc đó đã dành nhiều lời khen ngợi cho cách quản lý bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của Hội An.
"Hội An là một hình mẫu trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản" - ông Michael Croft, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, từng nhận định.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh, Hội An là thành phố di sản, nhưng là di sản sống. Một quần thể hơn 1.000 căn nhà cổ đang được bảo tồn rất tốt nhờ ý thức cộng đồng và nguồn lực rất lớn từ tiền bán vé thu được rồi trích quay lại trùng tu.
Có thể nói Hội An đã thực hiện tốt mô hình "lấy di tích nuôi di tích", không thể có phố cổ đẹp, độc đáo tận ngày nay nếu không có khoản tiền đóng góp thông qua mua vé vào tham quan từ khách.
Đây cũng là cách làm chung nhiều nơi trên thế giới.
Lâu nay Hội An đang giao cho hai đơn vị sự nghiệp gồm Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh Truyền hình Hội An đảm đương giữ ấm, duy trì phố cổ.
Nguồn kinh phí hoạt động đều trích từ vé tham quan.
"Không phải ai vào Hội An cũng bị thu phí"
Một lãnh đạo khác của Hội An cho rằng việc áp dụng biểu phí, vé tham quan đã được làm từ lâu. Thực tế cho thấy Hội An quá tải, việc chọn lọc khách và chăm sóc nguồn khách bỏ tiền mua vé cần phải được thực hiện tốt hơn. Hội An cũng sẽ giải quyết được bài toán giảm tải.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn, Hội An không "ngăn sông cấm chợ, không coi việc quản lý chặt lượng người qua cổng vé để tăng nguồn thu", mà mục đích là nâng cao ý thức đóng góp cho di tích từ du khách.
Hội An sẽ buộc thu phí các đoàn khách đi theo tour, vì vốn khách đã chi tiền vé trong tour rồi nhưng đơn vị điều hành lại không mua vé vào phố cổ khiến khách thiệt thòi quyền lợi, khi vào phố cổ thì đi "lang thang" mà không có hướng dẫn viên, không được tham quan các địa điểm độc đáo riêng biệt lẽ ra họ phải được thụ hưởng.
"Nhiều người thắc mắc là dân phố cổ, bà con từ ngoài Đà Nẵng vào ma chay hiếu hỉ, thăm hỏi nhau hay uống ly cà phê, ăn tô cao lầu thì có phải trả vé 80.000 đồng không? Xin khẳng định rằng không có chuyện đó!
Hiện nay kế hoạch mới được đưa ra, sẽ có phân loại từng trường hợp cụ thể để làm sao Hội An vẫn thu được vé từ khách du lịch mà vẫn đảm bảo không ngăn trở cho người vào thăm nom nhau, làm việc hay có nhu cầu chính đáng.
Hội An cũng không nhằm tăng thu qua việc này, mà chỉ chấn chỉnh việc thực hiện quyền lợi tham quan cho khách đi du lịch từ các công ty lữ hành" - ông Sơn nói.
Một thông tin quan trọng khác: việc thu phí vào phố cổ Hội An không phải "đâu cũng chặn đường thu phí", mà chỉ trong phạm vi vùng lõi khu vực 1, nơi tập trung quần thể di sản ở một số trục đường cắt theo trục ngang từ bờ Bắc sông Hoài chừng 400 mét, chiều dài tầm 1,5 kilômet.
Rất nhiều bạn đọc đã gửi phản hồi đến Tuổi Trẻ Online bàn về việc thu phí du khách tham quan phố cổ Hội An. Nhiều người phản đối về việc này, nhưng cũng không ít người ủng hộ.