Ngày 5/4, TAND Tp.HCM mở phiên tòa xét xử vụ án cháy chung cư Carina Plaza tại 1648 Võ Văn Kiệt quận 8, làm 13 người chết, 60 người bị thương.
Bị cáo Nguyễn Văn Tùng, SN 1977, Giám đốc Công ty Hùng Thanh và Nguyễn Quốc Tuấn, SN 1985, nguyên Trưởng Ban quản lý Chung cư Carina bị đưa ra xét xử về cùng tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, quy định tại khoản 3, Điều 313 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 7-12 năm tù.
Cáo trạng xác định, vào khoảng 1h12 ngày 23/3/2018, một tia lửa nhỏ kèm theo khói phát ra từ một xe máy của cư dân đậu tại tầng hầm block A. Khoảng 3 phút sau, ngọn lửa bùng lên dữ dội, bao trùm cả chiếc xe máy này, đồng thời cháy lan sang các xe khác.
Ngọn lửa mỗi lúc một cháy dữ dội, kèm theo khói bùng lên ngang ống thông gió ở tầng hầm. 8 phút sau khi xuất hiện tia lửa nhỏ đầu tiên, hệ thống chiếu sáng của tầng hầm bị tắt. Lúc này, ngọn lửa đã bắt sang hàng chục chiếc xe máy và ô tô khác.
Luồng khí nóng, độc luồn theo buồng thang thoát hiểm dẫn lên các tầng nổi phía trên chung cư. Đám cháy ngày càng lớn nhưng không có nhân viên bảo vệ hay bất kỳ người nào phát hiện.
Do hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) không kịp thời báo cháy, chữa cháy tự động nên cư dân sống trên các tầng nổi của tòa nhà không phát hiện đám cháy, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 13 người tử vong, trên 60 người bị thương.
Ngoài ra, vụ cháy còn khiến 492 xe máy bị cháy, 81 ô tô và 5 xe đạp hư hỏng nặng. Thiệt hại theo kết luận giám định xác định khoảng 4.000 tỷ đồng.
Tháng 4/2018, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Tp.HCM kết luận, nguyên nhân cháy là hệ thống dẫn điện của xe Attila bị chập. Từ đây, đám cháy lan ra các hướng rồi bùng lên.
Cáo trạng xác định, bị can Tùng đã được Ban quản lý chung cư thông báo về tình trạng hệ thống hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động không hoạt động nhưng không triển khai sửa chữa, thay thế.
Còn ông Tuấn với tư cách là Trưởng ban quản lý chung cư biết rõ tình trạng hệ thống hệ thống phòng cháy, chữa cháy không hoạt động nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, không kiên quyết yêu cầu Công ty Hùng Thanh phải thay thế, sửa chữa nhằm khắc phục, vận hành hoạt động báo cháy, chữa cháy, cứu hộ.
Do các bị can không quyết liệt khắc phục các lỗi liên quan đến hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động nên khi xảy ra hỏa hoạn, hệ thống PCCC không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, dẫn đến vụ cháy lớn, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Ngoài ra, việc không đóng cửa thang bộ thoát hiểm đã khiến khói độc theo đó lên các tầng trên làm nhiều người chết và bị thương, cũng thuộc trách nhiệm của Ban quản lý.
Đối với các ông Trần Kim Lương, nguyên là Phó Giám đốc Công ty SEJCO; ông Nguyễn Minh Mẫn, nguyên là Tổ trưởng tổ kỹ thuật chung cư Carina, quá trình điều tra xét thấy trách nhiệm của 2 ông này không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả vụ cháy chung cư Carina nên chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự.
Đối với ông Đỗ Trung Vinh, nguyên là cán bộ quản lý địa bàn thuộc Phòng Phòng cháy chữa cháy Công an quận 8, Tp.HCM. Ông Vinh là quản lý địa bàn, đã 7 lần kiểm tra định kỳ và theo kế hoạch về phòng cháy chữa cháy tại chung cư Carina. Trong đó, có 2 lần phát hiện lỗi vi phạm và đã đề nghị xử lý vi phạm hành chính với các lỗi vi phạm nêu trên.
Do hành vi chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự nên ông Vinh không bị truy cứu trong vụ án này. Tuy nhiên trước đó, Công an quận 5 đã có quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Vinh.
Hội đồng xét xử do thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự, TAND Tp.HCM làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến ngày 10/4.
Để chuẩn bị cho phiên tòa, HĐXX đã triệu tập 642 người là bị hại, 70 người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, 10 luật sư bào chữa cho 2 bị cáo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đơn vị liên quan.
Cơ quan tố tụng xác định vụ án có hơn 600 bị hại bao gồm 13 người chết, 50 người bị thương và chủ của 81 ô tô, 500 xe máy.... 32 người có quyền, nghĩa vụ liên quan là Công ty Hùng Thanh, Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn, Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Gia Khang, Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm bưu điện...
Vụ án kéo 5 năm mới được đưa ra xét xử vì một số trường hợp chưa thoả thuận được mức bồi thường về thiệt hại; bị hại đi nước ngoài, bị nhiễm Covid-19 ảnh hưởng đến việc giám định tỷ lệ thương tật.
Đến nay, đa số thiệt hại đã được chủ đầu tư và người bị hại thỏa thuận bồi thường. Một số yêu cầu bồi thường chưa thỏa thuận được sẽ được giải quyết trong quá trình xét xử.