Thuế tối thiểu toàn cầu là gì?
Tháng 10/2021, đã có 136 quốc gia đồng ý với đề xuất cải cách hệ thống thuế toàn cầu gồm hai trụ cột của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2024.
Trụ cột đầu tiên của cải cách sẽ phân bổ lại quyền của các chính phủ trong việc đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số dựa trên nơi tạo ra doanh thu dù họ có cơ sở thường trú tại quốc gia đó hay không.
Thuế tối thiểu toàn cầu là trụ cột thứ hai với nội dung đánh thuế 15% đối với những doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro (tương đương 815 triệu USD) và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu từ 10% trở lên.
Nếu được hưởng mức thuế thấp hơn 15% tại quốc gia đang đầu tư thì doanh nghiệp sẽ phải nộp phần thiếu hụt còn lại cho quốc gia mà họ có trụ sở chính để đủ mức 15%. Nói tóm lại, dù như thế nào, doanh nghiệp cũng cần nộp số thuế 15% này. Nếu quốc gia nơi doanh nghiệp đầu tư không thu thì doanh nghiệp phải nộp về "nước mẹ".
Giúp thế giới kiếm thêm 230 tỷ USD doanh thu
Thay đổi trên nhằm cập nhật các quy định đã tồn tại hàng thập kỷ qua về thuế xuyên biên giới trong thời đại kỹ thuật số - nơi những "gã khổng lồ" công nghệ như Apple hay Google hưởng lợi không nhỏ từ hoạt động tại các quốc gia có mức thuế thấp như Ireland.
Trong bản cập nhật công bố vào ngày 18/1 năm nay, OECD dự kiến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra thêm khoảng 220 tỷ USD doanh thu thuế trên toàn thế giới, tăng đáng kể so với con số 150 tỷ USD ước tính trước đó.
Theo Financial Times, dù đến nay chưa có quốc gia nào áp dụng đầy đủ thỏa thuận của OECD nhưng Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Thụy Sĩ đã đưa ra dự thảo luật. Trong khi đó, Australia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, New Zealand và Singapore đã đưa ra một số cuộc tham vấn về các quy tắc của OECD.
Sự cần thiết
Theo thời gian, các quan chức tài chính và nhà kinh tế nhận ra rằng sự cạnh tranh về thuế giữa các quốc gia để thu hút đầu tư nước ngoài đã dẫn đến "cuộc đua xuống đáy" về thuế suất ưu đãi. Điều đó có thể gây tổn thất đáng kể về doanh thu thuế.
Một số công ty đa quốc gia của Mỹ, chẳng hạn như Amazon, Meta (công ty mẹ của Facebook) và Google, đã thiết lập các hoạt động có lãi ở Ireland với mức thuế suất doanh nghiệp cao nhất chỉ là 12,5%, thấp hơn nhiều so với mức thuế suất ở Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Theo Investopedia, sự đồng thuận của các nước sẽ giúp giải quyết vấn đề chuyển dịch lợi nhuận, xói mòn cơ sở thuế do hành vi trốn thuế gây ra và giải quyết thách thức do quá trình số hóa ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu. Đề xuất của OECD được đánh giá là sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và tránh trốn thuế.
Ông David Bradbury - Phó giám đốc trung tâm quản lý và chính sách thuế của OECD - cho biết những cải cách trên sẽ mang lại "sự ổn định và chắc chắn hơn" cho hệ thống thuế quốc tế.
"Các chính phủ đang phải đối mặt với áp lực chi tiêu lớn. Nếu được thực hiện, những cải cách này sẽ mang lại doanh thu thuế tăng thêm cho họ", ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Tác động 2 mặt?
Một số chuyên gia nhận định rằng thuế tối thiểu toàn cầu có tác động hai mặt. Một mặt giúp tăng thu thuế cho các quốc gia trong khi mặt khác có thể ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài.
Các nhà lập pháp ở những nước đang phát triển đã đặt câu hỏi về việc cải cách này sẽ tác động như thế nào đến khả năng sử dụng các ưu đãi tài chính để thúc đẩy đầu tư của họ.
Theo ông Bradbury, những cải cách toàn cầu sẽ "tạo cơ sở cho cạnh tranh thuế" và sẽ là "nhân tố thay đổi cuộc chơi" trong việc giúp các nước có thu nhập thấp và đang phát triển huy động nguồn lực trong nước.
Mặc dù thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng một mức thuế tối thiểu cụ thể nhưng thiết kế tổng thể của nó có thể có các hình thức khác nhau và tác động khác nhau tại từng quốc gia.
Cải cách của OECD được đánh giá là có tiềm năng tăng doanh thu đáng kể cho chính phủ ở các nước đang phát triển, tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách tin rằng chúng có thể đem lại nhiều lợi ích hơn trong tương lai.
Xem thêm: mth.82501627050403202-gnort-nauq-oas-iv-ig-al-uac-naot-ueiht-iot-euht/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad