Đó là ý kiến của một cán bộ công đoàn trong hội thảo về dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chiều 5-4.
Hiểu đúng về đề xuất rút bảo hiểm một lần tối đa 50%
Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Duy Cường - vụ phó Vụ bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nêu rõ dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất mức rút bảo hiểm xã hội một lần là 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Bên cạnh đó, người rút bảo hiểm phải đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm và sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện.
Ông lấy ví dụ, nếu một người đóng bảo hiểm xã hội 10 năm, nếu rút một lần sẽ tính số tiền và thời gian đóng tối đa 5 năm. Số còn lại sẽ bảo lưu khi về hưu hoặc nếu tham gia bảo hiểm trở lại sẽ cộng dồn thêm.
Trường hợp không đủ số năm đóng bảo hiểm có thể đóng bù số năm thiếu một lần để hưởng lương hưu hoặc nhận trợ cấp hằng tháng kèm bảo hiểm y tế. Cuối cùng, người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội một lần thì vẫn được giải quyết.
Theo ông Cường, qua thống kê, nếu người lao động cứ khó khăn lại rút một lần thì sau này sẽ không có lương hưu (khoảng 700.000 người/năm). Do vậy, phương án rút tối đa 50% này giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt và lương hưu lâu dài.
Tại sao không để người lao động tự đóng bảo hiểm xã hội?
Một ý kiến của cán bộ công đoàn khác nêu tại sao không để người lao động tự đóng bảo hiểm xã hội thay vì giao phó cho doanh nghiệp dẫn tới nhiều đơn vị vì khó khăn mà chậm, trốn đóng bảo hiểm.
Ông Cường khẳng định hiện có hơn 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ quản lý trên 300.000 doanh nghiệp.
"Về cơ bản, người sử dụng lao động đang đóng kịp thời, đầy đủ. Rất ít trường hợp khiến chúng ta "đau đầu" do trốn đóng bảo hiểm xã hội", ông Cường nói.
Do đó, nếu để cơ quan quản lý thu 16 triệu lượt đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng, truy thu từng trường hợp thiếu thì rất khó khăn.
Hạn chế doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội thế nào?
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Kha, phó chủ tịch Công đoàn dầu khí, đề xuất các biện pháp mạnh tay hơn để giảm thiểu câu chuyện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, ông cho rằng cần nghiên cứu bổ sung biện pháp đặc thù để xử lý doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. Thực tế, có chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, bán hết máy móc khiến công nhân dù thắng kiện cũng không thể lấy lại tiền bảo hiểm đã đóng.
Thứ hai, doanh nghiệp phải cung cấp danh sách đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng cho công đoàn để thực hiện giám sát, tránh trường hợp nợ cộng dồn nhiều tháng. Thứ ba, cần có quỹ để hỗ trợ cho người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội.
Về việc này, lãnh đạo Vụ bảo hiểm xã hội nói thêm dự thảo đề xuất doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm phải nộp số tiền tính theo ngày (0,03%/ngày như tiền chậm nộp thuế) hay áp dụng hoãn xuất nhập cảnh, ngừng sử dụng hóa đơn. Công đoàn và cơ quan bảo hiểm xã hội cũng có thể khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm ra tòa án.
Bên cạnh đó, đại diện ban soạn thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi tiếp nhận, cam kết nghiên cứu ý kiến về việc nhiều lao động thừa năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng 75% lương nhưng chưa đủ tuổi về hưu dẫn tới câu chuyện về hưu sớm, đồng nghĩa với việc hưởng lương hưu sớm.
Trường hợp thuyền viên tàu cá nghỉ ở bờ 3 tháng trước khi ra biển thiệt thòi về số năm đóng bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn, thuyền viên đi làm từ năm 22 tuổi, về hưu ở tuổi 57 nhưng mỗi năm nghỉ 3 tháng thì tổng thời gian tính hưởng lương hưu chỉ khoảng 26,5 năm.
Tuần qua, hơn 2.000 ý kiến bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online tiếp tục góp ý về những vấn đề liên quan dự thảo sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội.