Ông Macron đã tới Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức từ ngày 5 đến 7-4. Chiều ngày 5-4, ông đã có buổi nói chuyện với cộng đồng người Pháp ở Bắc Kinh.
Không "xa lánh" Trung Quốc
Phát biểu tại Bắc Kinh, Tổng thống Pháp cho rằng châu Âu đừng cắt giảm quan hệ thương mại và ngoại giao với Trung Quốc.
Đây là phát biểu đáng chú ý, trong bối cảnh ông Macron được cho là phải tìm cách tiếp cận cân bằng với Trung Quốc.
Một mặt, nhiều quan chức châu Âu nhấn mạnh phải giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Ông Macron cũng chịu áp lực phải đề cập tới những khác biệt giữa châu Âu và Trung Quốc trong chuyến thăm này.
Mặt khác, các nước cũng nhìn thấy cơ hội hợp tác kinh tế với thị trường tỉ dân. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc càng quan trọng với châu Âu trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.
Tại Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh, ông Macron nhận câu hỏi liên quan tới xu hướng "tách biệt khỏi Trung Quốc". Tổng thống Pháp đáp rằng ông "không tin" đây là xu hướng không thể tránh khỏi.
Cùng thăm Trung Quốc với ông Macron lần này là bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu. Đáng chú ý, ngay trước chuyến đi, chính bà Ursula von der Leyen là người có bài phát biểu gây tranh cãi khi đề cập tới việc "giảm rủi ro" trong mối quan hệ với Trung Quốc, bao gồm việc hạn chế Trung Quốc tiếp cận vào công nghệ nhạy cảm cũng như giảm lệ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc.
Bàn về vấn đề này ở Bắc Kinh, Tổng thống Pháp Macron tìm cách hạ nhiệt. Ông lập luận rằng giảm phụ thuộc không có nghĩa ngừng quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Theo Tổng thống Pháp, không có gì mâu thuẫn giữa việc giảm lệ thuộc vào các lĩnh vực chiến lược như viễn thông và việc tăng cường kết nối kinh tế trong các lĩnh vực khác với Trung Quốc.
Trung Quốc có vai trò lớn ở Ukraine
Ngoài kinh tế, một trong những chủ đề được chú ý nhất trong chuyến đi của ông Macron tới Trung Quốc là vấn đề Ukraine.
Ông được kỳ vọng sẽ đóng góp vào các cuộc thảo luận với Trung Quốc về tìm kiếm giải pháp cho xung đột Nga - Ukraine. Hiện nay Trung Quốc được xem là nước có ảnh hưởng tới xung đột, nhưng cũng bị hoài nghi về thái độ trung lập, khi Bắc Kinh đang có mối quan hệ tốt với Matxcơva.
Đề cập tình hình Ukraine, ông Macron cho biết Pháp muốn phối hợp với Trung Quốc về trách nhiệm chung cho hòa bình và ổn định ở Ukraine.
"Trung Quốc, với quan hệ thân thiết cùng Nga được tái nhấn mạnh trong vài ngày gần đây, có thể đóng vai trò lớn", ông Macron nói về lập trường của Trung Quốc trong vấn đề vũ khí hạt nhân tại Ukraine cũng như kế hoạch hòa bình 12 điểm do Bắc Kinh đề xuất.
Một số ý kiến cho rằng ông Macron sẽ khó tìm thấy đột phá trong các thảo luận với Trung Quốc về Ukraine. Tuy nhiên Tổng thống Pháp có thể chia sẻ lập trường của Pháp và Liên minh châu Âu (EU), cũng như lắng nghe quan điểm của Trung Quốc về cách thức chấm dứt cuộc xung đột này.
Điện Elysee cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã nhất trí sẽ thuyết phục Trung Quốc tham gia thúc đẩy sớm chấm dứt chiến sự Ukraine.