DÂN KHỔ, NHÀ MÁY "NẰM IM"
Khác với nhiều nhà máy hoạt động suốt ngày đêm ở Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, dự án Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất (dự án) của Công ty CP xi măng miền Trung (CRC) luôn im lìm. Ông Ninh Viết Tùng, Giám đốc nhà máy, xót xa chỉ ra vườn dương liễu xanh tươi cao vút nói ngày xây dựng nhà máy thì bắt đầu trồng, giờ dương liễu đã lên xanh tốt, còn nhà máy thì vẫn "nằm im".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án này do CRC làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2000, trên diện tích 6 ha, vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng và bắt đầu hoạt động năm 2012. Khi bắt tay làm, chủ đầu tư tính toán khá kỹ bởi thị trường xi măng miền Trung khi đó mới chỉ chiếm tỷ trọng 17% tổng sản lượng tiêu thụ xi măng của cả nước. Ngoài ra, vị trí nhà máy tại KKT Dung Quất cũng là lựa chọn hợp lý khi nơi đây có cảng nhập clinker sát biển và có tiềm năng mở rộng công suất lên 1 triệu tấn/năm.
Tiềm năng và lợi thế này đã lập tức thu hút sự quan tâm của "ông lớn" ngành xi măng khi đó là Tổng công ty xi măng VN (Vicem). Với chiến lược mở rộng thị phần vào miền Trung, thông qua công ty con là Công ty CP xi măng Bỉm Sơn (mã BCC), Vicem đã mua lại 9.953.280 cổ phần của CRC (tương ứng 76,8% vốn điều lệ) với giá 11.560 đồng/cổ phần, tổng giá trị chuyển nhượng hơn 115 tỉ đồng.
Sau khi tiếp quản, BCC đưa cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và hệ thống máy móc hiện đại… để vận hành, hoạt động. Kể từ tháng 6.2013 - 4.2015, CRC đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất đề ra. Năm 2014, sản lượng tiêu thụ đạt gần 290.000/500.000 tấn (đạt khoảng 58% công suất thiết kế), công ty đã có lãi hơn 1,3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, mọi tính toán và phương án kinh doanh hiệu quả bất ngờ bị chệch hướng. Năm 2015, cho rằng phải ngày ngày sống chung với bụi xi măng, người dân địa phương đến ngăn cản nhà máy hoạt động và không cho phương tiện ra vào chở vật liệu sản xuất, sản phẩm xuất bán. Tháng 5.2015, nhà máy chính thức dừng hoạt động cho đến nay để cải tạo, nâng cấp thiết bị, đảm bảo môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Song, tại nhiều cuộc họp trước đó giữa Bộ Xây dựng, tỉnh Quảng Ngãi, người dân… xác định nguyên nhân chính khiến người dân bức xúc là từ vấn đề quy hoạch, chậm di dời các hộ dân. Khi triển khai quy hoạch KKT Dung Quất, Quảng Ngãi đã có kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất do Công ty Sembcorp Pte Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư. Kế hoạch này sau đó phải gác lại do dự án nhiệt điện không triển khai và cũng phải chờ Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 được phê duyệt.
Sự chậm trễ trong phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể khiến các dự án trong vùng quy hoạch gặp khó khăn. Riêng Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất, theo tính toán nếu không bị dừng hoạt động sẽ chạy đủ công suất đạt 500.000 tấn/năm, doanh thu dự kiến đạt hơn 560 tỉ đồng/năm và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 49 tỉ đồng/năm.
Đến nay, đã 7 năm phơi mưa nắng, không hoạt động nhưng hằng tháng nhà máy vẫn phải trả lương cho 40 lao động để họ duy trì công việc hành chính và bảo dưỡng máy móc, thiết bị, hạ tầng, trông chờ ngày được hoạt động trở lại. "Đến tháng, đến năm phải trả nợ ngân hàng. Đơn vị bị lỗ lũy kế đến nay là 254 tỉ đồng. Rất xót xa mà chưa biết thế nào, bởi thời gian hoạt động trở lại hoàn toàn trông chờ vào chính quyền", một lãnh đạo nhà máy cho biết.
HÀNG NGHÌN HỘ DÂN CHỜ DI DỜI
Tin vui với người dân và Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất là ngày 30.3.2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045. Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu Ban Quản lý KKT Dung Quất đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dời các hộ dân khỏi vùng dự án.
Ông Phạm Quang Lập, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Sơn Trà (xã Bình Đông), khẳng định hầu hết người dân ở đây đều muốn di dời về nơi ở mới. "Để nhà máy hoạt động thì phải khẩn trương di dời dân. Bởi hiện nay, không riêng gì nhà máy xi măng, mà các nhà máy trong KKT Dung Quất đều gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân", ông Lập nói.
Ông Phan Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Đông, cho biết liên quan đến nhà máy xi măng, người dân đã phản ánh rất nhiều, yêu cầu được di dời đến nơi ở mới càng sớm càng tốt. Theo ông Đông, hiện đã có lộ trình di dời hàng nghìn hộ dân ở xung quanh nhà máy. Tuy nhiên, ý kiến người dân là nên rút ngắn lộ trình này, thực hiện sớm hơn, để họ không phải sống chung với bụi hằng ngày.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã làm việc với các bộ ngành chức năng để thống nhất việc xử lý các vấn đề liên quan đến dự án. Cuộc họp thống nhất di dời dân ra khỏi khu vực nhà máy xi măng. Và qua tham vấn hơn 1.800 hộ thì chỉ có 5 hộ dân không có ý kiến, còn tất cả đều muốn di dời về nơi ở mới. Theo báo cáo ngày 1.4.2021 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Xây dựng và Quảng Ngãi thống nhất đề xuất của CRC phương án di dời gần 1.864 hộ dân theo các giai đoạn, để đảm bảo hoạt động của nhà máy CRC.
Theo đó, giai đoạn 1, di dời dân ở phạm vi cách hàng rào nhà máy 150 m (14,5 ha), có 224 hộ. Giai đoạn 2, di dời dân ở phạm vi cách hàng rào nhà máy 300 m (31 ha), có 548 hộ dân và giai đoạn 3 (28,3 ha), di dời 1.072 hộ dân còn lại. Lộ trình thực hiện từ năm 2026 - 2030.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Văn Minh cho biết hiện Quảng Ngãi đã xây dựng nhiều khu tái định cư để đáp ứng đủ yêu cầu của người dân đến năm 2025. Theo ông Minh, trên cơ sở điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 vừa công bố ngày 30.3 vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đảm bảo thực hiện các công việc tiếp theo, trong đó có việc di dời hơn 1.800 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất trong thời gian đã cam kết.