Một giáo viên môn toán khá nổi tiếng ở TP.HCM cho biết như vậy khi kể về cuộc thi giáo viên giỏi mà mình tham gia cách đây hai năm.
Tiêu chí trái khoáy
Thầy giáo này kể: "Năm đó, tôi đoạt giải cao trong cuộc thi. Nhưng học trò của tôi nói rằng các em không thích tiết dạy đó, bởi vì tôi không giống như ngày thường, tôi giảng bài khó hiểu, kiểu cách. Một số em còn thẳng thắn đề nghị tôi giảng lại bài học đó. Khi tôi hỏi cả lớp: "Em nào muốn thầy giảng lại bài này?", buồn thay, hơn nửa lớp đã giơ tay".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều giáo viên tiểu học, THCS ở TP.HCM bức xúc phản ảnh: trong các cuộc thi giáo viên giỏi, ban giám khảo luôn đưa ra tiêu chí là người đứng lớp phải sử dụng những phương pháp dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm.
"Tức là chúng tôi phải dành phần lớn thời gian cho học sinh trao đổi, thảo luận, làm việc nhóm, thuyết trình, sắm vai... rồi tự rút ra bài học cho mình. Nhưng với môn giáo dục công dân của tôi, lại là dạy cho học sinh lớp 8, nếu không giảng giải kỹ, không có những câu chuyện minh họa, gợi mở... thì làm sao thuyết phục được các em tuổi mới lớn. Kể ra như vậy để thấy tiêu chí giáo viên giỏi của cuộc thi với tiêu chí thật trên thực tế khác xa nhau.
Tôi đã có nhiều lần đi thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Tôi thường đặt ra yêu cầu là học sinh học giáo dục công dân thì phải nhớ bài ngay tại lớp, về nhà không phải học bài nữa. Nhưng trái khoáy ở chỗ: thường những tiết được ban giám khảo đánh giá cao thì học sinh không nhớ được bài hoặc không có ấn tượng gì về bài giảng và ngược lại" - cô H.H., giáo viên môn giáo dục công dân ở một trường THCS, chia sẻ.
Theo giải thích của các giáo viên thì chương trình nặng nề, kiến thức quá khó đối với độ tuổi học sinh. Nếu thầy cô giáo không giảng giải một cách cẩn thận, chi tiết thì học sinh có thể không hiểu bài.
"Nhất là với các lớp trình độ đầu vào thấp, cho các em sắm vai, thuyết trình xong, khi giáo viên hỏi lại nhiều em còn không nhớ được tựa đề bài học, nói chi đến việc nắm được kiến thức.
Đặc biệt với học sinh lớp 9 sắp phải thi tuyển vào lớp 10, nếu cứ dạy hoàn toàn bằng phương pháp mới, cho học sinh hoạt động từ đầu tiết đến cuối tiết, giáo viên không giảng bài, không lưu ý, không dặn dò, không củng cố kiến thức thì làm sao học sinh nắm được kiến thức, làm sao làm bài thi tuyển sinh?" - một giáo viên môn ngữ văn đặt vấn đề.
Không muốn vẫn phải đi thi
Thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp khá nhiều giáo viên. Khi được hỏi "Thầy cô có muốn đi thi giáo viên dạy giỏi không?", hầu hết họ đều khẳng định không muốn. Thế nhưng, thực tế thì các cuộc thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, viên phấn vàng... vẫn diễn ra hằng năm, ở tất cả các cấp học từ mầm non đến tiểu học, trung học.
"Chúng tôi bị ép phải đi thi, từ giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp quận cho đến cấp thành phố" - đó là câu trả lời chung mà chúng tôi nhận được.
"Thật ra ban giám hiệu trường tôi cũng ngán lắm. Một giáo viên đi thi nhưng cả tổ chuyên môn phải hỗ trợ, cả cô hiệu trưởng lẫn thầy hiệu phó cũng phải liên tục góp ý, viết giùm phần mở đầu, chỉnh sửa giùm clip... Không chỉ giáo viên chúng tôi mà ngay cả thầy hiệu phó cũng từng bộc bạch rằng thầy ước có một năm học không phải cử giáo viên đi thi" - cô N., người từng đoạt giải trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp quận, phản ảnh.
Các giáo viên cho hay họ được "đặt hàng" phải đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi bằng mọi giá, bằng mọi cách.
"Thử hỏi không có giáo viên đoạt giải thì có phải cả nhà trường đều "xấu mặt" không, lấy gì mà báo cáo thành tích vào dịp cuối năm? Thế nên dù không muốn, chúng tôi vẫn phải làm nhiều cách, kể cả đánh mất lòng tự trọng của mình cũng như làm xấu hình ảnh của thầy cô giáo trước mắt học sinh. Đó là dạy tập dượt trước, là cho học sinh học thuộc lòng một số câu hỏi, câu trả lời...".
"Không những vậy, hiệu trưởng trường chúng tôi còn yêu cầu loại bớt một số học sinh cá tính, hay ý kiến ý cò. Các học sinh này không được học tiết dạy dự thi giáo viên giỏi của tôi. Thay vào đó là những học sinh giỏi từ các lớp khác đưa sang, để các em "diễn" cùng với giáo viên cho hay, không bị giám khảo phát hiện. Mà hôm ấy những em này lại mặc đồ thể dục. Thế là các thầy cô chủ nhiệm phải kêu học sinh mượn đồ của bạn để mặc cho đúng quần áo đồng phục của trường" - một giáo viên THCS ở quận 3 kể.
Trả cuộc thi giáo viên dạy giỏi về đúng vị trí
Thật ra hội thi giáo viên dạy giỏi có mục tiêu ban đầu rất ý nghĩa: là cơ hội cho các thầy cô giáo giao lưu, học hỏi với nhau; là dịp để những kinh nghiệm giảng dạy tốt được nhân rộng... Nhưng trên thực tế các nhà trường đã biến nó thành cuộc chạy đua thành tích. Cuộc thi giáo viên dạy giỏi đang tạo áp lực nặng nề cho giáo viên chúng tôi, không chỉ với người đi thi mà cả với các thành viên trong tổ chuyên môn.
Năm nay tổ vật lý của tôi được ban giám hiệu trường giao nhiệm vụ phải có giáo viên đoạt giải. Thực sự "đơn đặt hàng" ấy đã làm cho cả tổ chúng tôi mất ăn mất ngủ, chúng tôi phải tìm tòi, hỗ trợ hết mức cho "gà" của tổ mình có thể đoạt giải. Chưa kể, cô giáo được chọn đi thi vì quá lo lắng và căng thẳng dẫn đến việc đau dạ dày. Mà những tiết dạy được đánh giá là giỏi của cuộc thi giáo viên chúng tôi không thể áp dụng vào thực tế. Thế thì thi giáo viên giỏi để làm gì?
Cô N.T.Tr.A. (giáo viên vật lý ở TP.HCM)
Thăm dò ý kiến
Hội thi giáo viên giỏi cũng như các tiết dự giờ hiện nay được nói là hình thức, không thực chất khi giáo viên được thông báo trước và 'gà bài' cho học sinh. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
TTO - Việc xét giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ được xem xét qua sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng.