Theo Hãng tin AFP, cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp bên Saudi Arabia là Hoàng tử Faisal bin Farhan do Trung Quốc làm trung gian kết nối.
Hai quốc gia Trung Đông từng quay mặt với nhau đạt được tuyên bố chung về việc cam kết tiếp tục phối hợp thúc đẩy quan hệ.
"Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện và kích hoạt Thỏa thuận Bắc Kinh theo cách mở rộng lòng tin lẫn nhau và các lĩnh vực hợp tác, đồng thời giúp tạo ra an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực Trung Đông", tuyên bố nhấn mạnh.
Hồi tháng 3 năm nay, Tehran và Riyadh cùng công bố một thỏa thuận do Bắc Kinh làm trung gian nhằm khôi phục quan hệ đã bị cắt đứt cách đây 7 năm giữa hai bên, khi người biểu tình ở Iran tấn công các cơ quan ngoại giao của Saudi Arabia năm 2016.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran cho biết hai bên đã đàm phán và trao đổi ý kiến, với trọng tâm là chính thức nối lại quan hệ song phương và các thủ tục để mở lại các đại sứ quán và lãnh sự quán của hai nước.
Theo Hãng tin AFP, việc mở lại các cơ quan đại diện ngoại giao sẽ diễn ra trong vòng hai tháng. Đồng thời, hai bên sẽ thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh đã ký hơn 20 năm trước.
Hai nước Trung Đông cũng sẽ tiếp tục phối hợp để xem xét các cách mở rộng hợp tác, bao gồm nối lại các chuyến bay, các chuyến thăm song phương và tạo thuận lợi về thị thực cho công dân.
Sau cuộc họp giữa hai bộ trưởng ngoại giao, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi dự kiến sẽ thăm Riyadh theo lời mời từ Quốc vương Salman của Saudi Arabia.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết đây là "cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa các bộ trưởng ngoại giao Iran và Saudi Arabia trong hơn bảy năm". Sự kiện cho thấy "sự hòa giải tích cực" của Bắc Kinh.
Thành công của Trung Quốc trong việc đưa Iran và Saudi Arabia xích lại gần nhau đã thách thức vai trò lâu nay của Mỹ với tư cách là "nhà môi giới" quyền lực chính ở ngoài khu vực Trung Đông.
Việc nối lại quan hệ giữa Saudi Arabia (nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, chủ yếu là người Sunni) và Iran (nơi có đa số người Shiite có quan điểm bất đồng mạnh mẽ với các chính phủ phương Tây) có khả năng định hình lại các mối quan hệ ở Trung Đông.
Sự kiện Iran và Saudi Arabia - hai cường quốc đối thủ ở Trung Đông - thông báo tái lập quan hệ ngoại giao đã gây bất ngờ. Nhiều ý kiến đánh giá cấu hình mới cho khu vực đang thành hình. Các xung đột trong khu vực có thể được giải tỏa.
Xem thêm: mth.99591915160403202-cat-poh-av-aoh-mal-yat-tab-couq-gnurt-gnas-aibara-iduas-nari/nv.ertiout