Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), số trẻ mắc thủy đậu tuần qua tăng gần gấp đôi so với tuần trước, với 166 ca mắc, nhiều ổ dịch lây lan tại các trường mầm non, tiểu học. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 800 ca thủy đậu.
Biến chứng viêm phổi vì thủy đậu
Mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương vừa tiếp nhận bé Đ.H. (27 ngày tuổi, Bắc Giang) mắc bệnh thủy đậu gây biến chứng.
Khi vừa sinh bé được 5 ngày, mẹ bé bị lây nhiễm thủy đậu từ con gái lớn (7 tuổi). Do không có biện pháp cách ly an toàn, sau đó tiếp tục lây cho em nhỏ khi trẻ được 14 ngày tuổi.
Lúc này da trẻ xuất hiện các tổn thương dạng nốt phỏng ở da đầu, rồi lan ra toàn thân, liên tục có các cơn sốt 38,5 độ, kèm theo ho nhiều, thở mệt. Trẻ được chẩn đoán viêm phổi trên bệnh thủy đậu, điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh 4 ngày, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương.
Sau 7 ngày, trẻ dần hồi phục, các nốt ban phỏng nước đã khô và đóng vảy, viêm phổi được kiểm soát.
Theo các bác sĩ, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm nhưng lành tính, không có triệu chứng nặng nề, tuy nhiên rất dễ gây nhiễm trùng da, có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não.... nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
5 điều cha mẹ cần biết về bệnh thủy đậu
Bác sĩ Nguyễn Phương Thảo - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương - chia sẻ: "Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường. Vì vậy, việc cha mẹ nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời".
1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh thủy đậu (Chickenpox) là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do vi rút Varicella Zoster (VZV) gây nên. Thủy đậu xảy ra chủ yếu ở trẻ em, biểu hiện bằng sốt và phát ban dạng nốt phỏng, thường diễn biến lành tính. Bệnh cũng xảy ra ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
2. Biểu hiện
Giai đoạn tiền triệu chứng thường kéo dài 1-2 ngày trước khi xuất hiện ban. Người bệnh mệt mỏi, sốt từ 37,8°-39,4°C. Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể.
3. Đường lây
Vi rút thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp. Nguồn lây lớn nhất là người bị thủy đậu; người bệnh có khả năng lây cho người khác khoảng 48 giờ trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường kéo dài 4-5 ngày), và cho đến khi ban đóng vảy.
4. Phòng bệnh
Tiêm phòng vắc xin: Vắc xin thủy đậu là vắc xin sống giảm độc lực, được chỉ định cho tất cả trẻ em trên 1 tuổi (cho tới 12 tuổi) chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với Herpes zoster. Vắc xin thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả cao. Tránh tiếp xúc người bệnh bị thủy đậu hoặc Zona.
5. Chăm sóc trẻ mắc bệnh thủy đậu
Khi trẻ có triệu chứng sốt, phát ban phỏng nước, gia đình nên cách ly con không tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây nhiễm.
Nếu trẻ sốt trên 38º5 độ, cho trẻ uống thuốc hạ sốt, kết hợp chườm ấm. Lưu ý khi chườm ấm cho trẻ thủy đậu, cần dùng nước ấm, không quá ấm nóng để tránh gây vỡ, bỏng rát các phỏng nước trên cơ thể.
Khi trẻ có các biểu hiện ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
Không nên kiêng tắm, kiêng nước
Theo bác sĩ Thảo, hiện nay, vẫn có nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho con. Tuy nhiên, đây là quan niệm chưa đúng, khi trẻ mắc thủy đậu thì cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng của trẻ càng nặng hơn.
Ngoài ra, cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho con, không ăn kiêng.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp mắc thủy đậu nặng có biến chứng trên cơ địa trẻ khỏe, không bệnh nền.
Xem thêm: mth.69731136160403202-nauq-uhc-gnud-em-ahc-aum-oav-uad-yuht-hneb/nv.ertiout