Nhóm khách hàng trẻ Gen Z (những người được sinh ra từ năm 1995 - 2009) đang dần trở thành nhóm người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay nhất tại Trung Quốc. Các thống kê của KPMG Trung Quốc cho thấy, 21% nhóm người tiêu dùng Gen Z sẵn sàng chi ra 16% thu nhập của mình cho các món đồ cao cấp.
Sự hào phóng này đang khiến những người tiêu dùng Gen Z trở thành mục tiêu hàng đầu của các trung tâm mua sắm tại đất nước tỷ dân.
Trung tâm mua sắm Joy City tại quận Triều Dương thành phố Bắc Kinh đã cho thiết lập các công trình sắp đặt khổng lồ và triển lãm nghệ thuật sống động để thu hút khách hàng đến ăn uống, chụp ảnh và giải trí.
Theo các chuyên gia, đây là điều không thể thiếu với giới trẻ Trung Quốc, vốn luôn muốn có những trải nghiệm mới lạ. Các số liệu cho thấy, số trung tâm mua sắm lớn theo phương thức mới hiện đang liên tục gia tăng theo từng năm.
Khách hàng mua sắm tại cửa hàng thời trang cao cấp của Ý Golden Goose ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
"Những khung cảnh và trải nghiệm mới rất quan trọng với giới trẻ. Họ cần một nơi để giao lưu, giải phóng năng lượng, kết bạn và hẹn hò. Khoảng 500 trung tâm mua sắm như vậy đang được mở mỗi năm tại Trung Quốc, trong đó riêng Bắc Kinh có thêm ít nhất 10 trung tâm mỗi năm", ông Chen Yunfeng, Tổng thư ký Ủy ban Quản lý Đô thị hóa, Trung Quốc, cho biết.
Hơn 40 cửa hàng cao cấp, cửa hàng bán lẻ độc quyền cũng đã được khai trương tại Joy City, quận Triều Dương, nhằm mục tiêu thu hút nhóm khách hàng trẻ tuổi Gen Z, vốn luôn mong muốn dẫn đầu các xu hướng thời trang và phong cách sống. Các công nghệ cao cũng được áp dụng để thu hút khách hàng trẻ tuổi.
Các nhà phân tích đánh giá, việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ đang giúp tăng khả năng cạnh tranh của các thương hiệu bán lẻ nội địa Trung Quốc.
"Có 2 yếu tố đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng mới tại Trung Quốc là sự trỗi dậy của các thương hiệu nội địa và tính hiệu quả. Trung Quốc đã dành nhiều năm để xây dựng một cơ sở hạ tầng khổng lồ hỗ trợ loại hình kinh tế dựa trên thương mại này", ông Jin Yuchen, Phó Hiệu trưởng, Trường cao đẳng Shanghai Jian Qiao, cho hay.
Các số liệu thống kê cho thấy, sau khi các biện pháp phòng dịch dần được nới lỏng, thị trường tiêu dùng Trung Quốc đã phục hồi ổn định trong quý I năm nay, với đóng góp đáng kể đến từ nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi.
Theo khảo sát mới nhất của Caixin, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ đã tăng từ mức 55 trong tháng 2 lên 57,8 trong tháng 3, cho thấy sự mở rộng hoạt động ổn định. Việc thúc đẩy hoạt động dịch vụ, tiêu dùng hơn, đặc biệt là với giới trẻ, sẽ là chìa khóa quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2023.
VTV.vn - Tại Trung Quốc, thị trường bán lẻ đang ghi nhận sự phục hồi đáng kể sau khi các chính sách chống dịch được nới lỏng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.27861031260403202-z-neg-iv-iod-yaht-couq-gnurt-iat-mas-aum-mat-gnurt/et-hnik/nv.vtv