Không ít người tin theo lời quảng cáo tìm đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu. Nhiều người được chẩn đoán ung thư, nhưng khi đến bệnh viện kiểm tra thì té ra chỉ là viêm hoặc không có gì bất thường.
Lạm dụng xét nghiệm máu tìm ung thư
Gõ từ khóa "xét nghiệm máu tìm ung thư" thấy nhiều nơi "nổ" quảng cáo cam kết với khách hàng chỉ cần làm xét nghiệm có thể phát hiện được ung thư nhanh. Các bài đăng quảng cáo này xuất hiện dày đặc trên khắp website, mạng xã hội...
Một trung tâm xét nghiệm tại quận Tân Bình (TP.HCM) cho hay trung tâm này có rất nhiều người tìm đến để xét nghiệm máu tầm soát ung thư. Theo nhân viên tư vấn, người khỏe mạnh, không có biểu hiện bệnh lý có thể lấy máu tầm soát ung thư có kết quả ngay trong ngày.
Trung tâm giới thiệu gói xét nghiệm máu cho cả nam và nữ với giá hơn 2,3 triệu đồng, hứa nếu xét nghiệm có thể biết tám chỉ số liên quan đến đại tràng, tụy, ống mật, dạ dày, phổi...
"Nhân dịp 30-4 và 1-5 nên trung tâm bên em giảm giá chỉ còn 1,3 triệu đồng, ưu đãi cho khách hàng có lịch đặt hẹn trước", nhân viên này hối thúc chúng tôi nhanh đi xét nghiệm.
Trầm cảm vì nghi ngờ mắc ung thư
Đến thăm khám tại Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), ông H.T. (45 tuổi) lo lắng vì xét nghiệm máu có chỉ số Cyfra 21-1 tăng cao, nghi ngờ mắc ung thư phổi. Khi nhận kết quả xét nghiệm, ông T. rơi vào suy sụp vì dù không hút thuốc lá, thuốc lào nhưng vẫn nhận "án tử" vì ung thư.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành các kiểm tra tại bệnh viện, các bác sĩ đánh giá ông T. không có dấu hiệu và biểu hiện của bệnh ung thư.
Một trường hợp khác là chị L. (36 tuổi) hốt hoảng đến khám bệnh. Chị cho biết xét nghiệm máu nồng độ CA 19-9 tăng nhẹ so với bình thường, nghi ngờ ung thư tụy.
Khi nghe tin dữ, chị mất ngủ, tâm trạng suy sụp vì nghĩ mình bị ung thư khi tuổi còn trẻ. Thế nhưng khi đến bệnh viện kiểm tra thì chưa phát hiện dấu hiệu bệnh ung thư.
Theo bác sĩ Phạm Cẩm Phương - giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), gần như tuần nào cũng có bệnh nhân đến bệnh viện tầm soát vì nhận được kết quả xét nghiệm máu nghi ngờ mắc ung thư.
"Họ rất hoang mang lo lắng, thậm chí mất ngủ, chán ăn, sợ sệt, trầm cảm vì nghĩ mình bị ung thư. Với các trường hợp như vậy, chúng tôi xem xét kỹ và tư vấn để người bệnh hiểu, an tâm và tiếp tục theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ", bác sĩ Phương nói.
Xét nghiệm máu không thể sàng lọc ung thư
Bác sĩ Phương khẳng định xét nghiệm máu không phải là phương pháp để sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Bởi thông thường ở giai đoạn muộn các chất chỉ điểm khối u trong máu mới tăng, ở giai đoạn sớm hầu hết chất này ở giới hạn bình thường.
Cũng có trường hợp có khối u rõ trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, thậm chí bệnh ở giai đoạn muộn nhưng xét nghiệm máu... hoàn toàn bình thường, bởi không phải ung thư nào cũng gây tăng chất chỉ điểm khối u trong máu.
Như với ung thư gan nguyên phát, nhiều người bệnh có khối u gan, sinh thiết u có kết quả ung thư biểu mô tế bào gan nhưng xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu (AFP) hoàn toàn bình thường.
Bác sĩ Đỗ Văn Liêm - trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cũng cho biết hiện với ung thư, ngoài xét nghiệm máu phải làm thêm các xét nghiệm lâm sàng khác nhau để chẩn đoán chính xác.
Không dùng đơn độc một phương pháp xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư, mà người bệnh cần được khám lâm sàng, nội soi, siêu âm và các xét nghiệm khác mới đủ tiêu chí chẩn đoán có mắc ung thư hay không. Ví dụ mắc ung thư vú sẽ sinh thiết, xét nghiệm, siêu âm, chụp nhũ ảnh mới có thể chắc chắn được đó là ung thư vú.
"Xét nghiệm nào trong y khoa cũng có thể âm tính hoặc dương tính giả. Nhiều người xét nghiệm thấy kết quả bình thường liền chủ quan, tuy nhiên điều này không có nghĩa là sẽ không bị ung thư. Hoặc nhiều người thấy kết quả lại rơi vào tâm lý hoang mang, lo sợ...", bác sĩ Liêm cho hay.
Khi nào cần tầm soát ung thư?
Bác sĩ Phương khuyến cáo những trường hợp trên 40 tuổi, béo phì, lười vận động, có tiền sử trong gia đình mắc bệnh ung thư, hút thuốc lá, uống rượu, làm việc trong môi trường độc hại... thì cần thăm khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ cho chỉ định phù hợp nhằm phát hiện sớm bệnh.
Để sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư, bác sĩ cần hỏi tiền sử gia đình, triệu chứng bệnh (nếu có), thăm khám bệnh chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận để đưa ra các chỉ định xét nghiệm phù hợp.
"Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ để được bác sĩ hỏi bệnh, thăm khám, tầm soát và phát hiện bệnh sớm, tránh rơi vào tình trạng quá lo lắng hoặc bị bỏ sót tổn thương", bác sĩ Phương khuyến cáo.
TTO - Ngày 13-9, Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) bắt đầu thử nghiệm lớn nhất thế giới trên 140.000 tình nguyện viên phương pháp xét nghiệm máu có thể phát hiện hơn 50 loại ung thư trước khi xuất hiện triệu chứng.
Xem thêm: mth.68782500070403202-uht-gnu-ar-uam-meihgn-tex-iv-gnaoh-tahp/nv.ertiout